Bảy ngày cuối đời của Đức Giê-su (phần 2)

Hôm nay là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh và cũng là ngày Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Tôi tiếp tục suy ngẫm về bảy ngày cuối cuộc đời trần thế của Đức Giê-su, tiếp theo phần 1.

Ngày Thứ Ba: Khôi Phục Ý Nghĩa Nguyên Thuỷ của Hôn Nhân
Sáng sớm ngày Thứ Ba, Chúa Giê-su và các môn đệ lại trở vào Thành từ Bê-ta-ni-a. Ngài bắt đầu dùng dụ ngôn mà rao giảng trong Đền Thờ và đối chất với các thượng tế và kinh sư. Từ khi con người đánh mất hào quang Thiên Chúa trên mình bởi tội tổ tông, con người đã ngày càng hiểu sai hơn về mục đích của công trình tạo hoá, trong đó có mục đích của hôn nhân. Trong một cuộc đối thoại với người phái Xa-đốc (Sadducees), họ dùng một giả sử về người đàn bà có bảy đời chồng và các ông chồng đã lần lượt chết tiếp theo nhau, để thử thách Chúa Giê-su về sự sống lại. Nhưng Ngài đã chỉnh sửa họ với câu trả lời:
"Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Thật vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời." (Mc 12:24-25)
Bởi hôn nhân tự nhiên là một dấu chỉ về một thực tại siêu nhiên hơn, nên cần thiết có một cái nhìn thánh khiết để chúng ta có thể thấy rằng sự giao hợp giữa người nam và người nữ ở đời này là tượng trưng cho sự giao hợp giữa loài người và Thiên Chúa ở đời sau. Vì thế cho nên ngay từ đầu, hôn nhân là một sự kết hợp trường tồn và vĩnh cữu. Bởi thế Chúa đã dạy, "Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình" (Mc 16:18). Vì vậy, tôi đoán rằng, Chúa khen ngợi việc làm cao cả của bà goá nghèo trong Mác-cô 12:41-44 là vì bà rộng lượng cam chịu ở góa cho đến cuối đời, hơn với sự rộng lượng về tiền bạc.  Nhưng vì thực trạng yếu đuối của đời phàm mà Hội Thánh cho phép những người goá được tái hôn hầu đỡ bớt gánh nặng cho họ trong một thế gian đầy đau khổ này. Hình ảnh của hôn nhân, là biểu tượng cho sự giao hợp giữa Thiên Chúa và con người, đã được lập đi lập lại trong Thánh Kinh, đặc biệt là trong Sách Diễm Ca.  Một trong những câu thốt cuối cùng của Chúa Giê-su là: "Thế là đã hoàn tất!" (Gioan 19:30). Chữ "hoàn tất" rút từ tiếng Hy Lạp "telelestai" và được Thánh Giê-Rôm dịch nguyên câu ra tiếng La Tinh là "Consummatum est!" (It is consummated!). Hoàn tất ở đây còn có ý nghĩa là sự hoàn tất của hôn sự, khi hai vợ chồng động phòng đêm tân hôn. 

Ngày Thứ Tư: Giao Ước mới đã được tiên báo qua hình ảnh Thánh Giu-se thời Cựu Ước
Vào ngày Thứ Tư, Chúa Giê-su lưu lại Bê-ta-ni-a và được một người phụ nữ xức "dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền" (Mc 14:3-9). Tập tục này ngày nay chúng ta cũng được thấy qua nghi thức Xức Dầu cho bệnh nhân.
Cũng trong ngày hôm nay, Giu-đa It-ca-ri-ót ra âm mưu phản Chúa với 30 nén bạc. Sự kiện này liên kết Chúa Giê-su với Thánh Giu-se thời Cựu Ước. Thánh Giu-se cũng từng bị một trong 11 người anh em của mình là Giu-đa bán đi với 20 nén bạc, bị lưu đày sang Ai Cập, nhưng sau đó, nhờ tài giải mộng, ông được nâng lên tột cùng danh dự, chỉ dưới tước vị của Pha-rao mà thôi, và từ tước vị ấy Giu-se đã giải cứu cả toàn thể dân Giu-đa khỏi nạn đói, bằng cách ban cho họ lúa thóc dự trữ của Pha-rao. Chúa Giê-su sau khi sống lại, sẽ cứu nhân loại khỏi sự chết, bằng cách ban cho chúng ta bánh hằng sống để ăn, đó là chính Mình và Máu Thánh của Ngài.

Ngày Thứ Năm: Bữa Tiệc Ly
Chiều Thứ Năm, Chúa Giê-su sai Phê-rô và Gio-an vào thành để chuẩn bị cho lễ vượt qua. Ở đây, Giáo Sư Brant Pitre giải thích về nghi thức người Do Thái trong việc chuẩn bị. Dân Ít-ra-en sẽ mổ con vật tế (cừu hoặc dê) mà họ mang theo, và vị tư tế sẽ hứng máu nó rồi đem tạt máu ấy dưới chân bàn thờ. Vật tế sau đó được xiên vào thanh cây hình chữ thập và được nướng quay. Như thế cho thấy, tập tục người Do Thái cũng đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ dâng hiến của lễ toàn thiêu bằng cách nào.
Cũng trong bữa tiệc ly tối hôm nay, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể truyền lại cho các môn đệ, để thực hiện lời hứa: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế" (Mt 28:20).
Sau bữa ăn, Ngài cùng các môn đệ hát Thánh Vịnh (Mt 26:30); Thánh Vịnh 113-116 được Hội Thánh ngày nay đọc lên trong Thánh Lễ Tiệc Ly. Rồi thì Ngài đi cầu nguyện trong Vườn Dầu để chuẩn bị cho chặng đường thương khó; ngày nay Thánh Lễ Thứ Năm còn được gọi là Lễ Truyền Dầu. Ngài quay lại ba lần để khuyên các môn đệ canh thức cùng với Ngài:
"...Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức...Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn...Si-môn, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối...Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!" (Mc 14:32-42)
Ngày Thứ Sáu: Chịu Khổ Nạn và Đóng Đinh trên Thập Giá
Sau một đêm bị chịu cực hình bởi Quan Tổng Trấn Phi-la-tô, Đức Giê-su bị đóng đinh trên cây thập tự. Sau khi Ngài chết, quân lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài và lập tức máu và nước tuông ra từ chỗ bị đâm. Điều này gợi nhớ đến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vào ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua, nơi có máu và nước tuôn chảy ra từ bên phải đền thờ; máu từ các con vật hy sinh bị hành huyết và nước rửa chạy ra từ rạch nước thảy từ trong Đền Thờ chảy ra. Chúa Giê-su là Đền Thờ mới thay thế Giê-ru-sa-lem, và Cung Thánh chính là Trái Tim Cực Thánh của Ngài. Đây cũng là hình ảnh của Lòng Chúa Thương Xót mà Thánh Nữ Faustina đã nhìn thấy vào năm 1931.

Ngày Thứ Bảy: Rao Giảng Tin Mừng Đến Tận Âm Phủ
Ngày hôm nay, thân xác Ngài yên nghỉ như Ngài đã từng nghỉ ngơi sau khi làm công việc sáng thế lúc Khởi Nguyên, nhưng Thần Khí Ngài tiếp tục làm việc cho Đức Chúa Cha ở tận chốn Âm Phủ nơi A-dong, E-và, tổ phụ Áp-ra-ham, và các thánh nhân từ thời Cựu Ước đang chờ đợi. Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô chép:
Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm. (1Ph 3:18-19)...
Quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa. (4:6)
  
Ngày Thứ Tám: Phục Sinh, Một Công Trình Tạo Hóa Mới
Đây là trở lại ngày thứ nhất trong tuần, gợi nhớ ngày đầu trong bảy ngày Chúa tạo nên vũ trụ vạn vật. Đức Giê-su sống lại từ cõi chết để "mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1Cor  15:20), cho một vũ trụ mới, một vũ trụ mà sự ác đã bị đánh bại.

Ngày nay, kể từ khi Đức Ki-tô phục sinh, đã trở về Trời, và đã ban Thần Khí của Ngài là Chúa Thánh Thần đến ngự giữa chúng ta, chúng ta đang sống trong một thế giới mà phe tà đạo đã thua phe chánh đạo. Thế nhưng tại sao, chung quanh ta, có vẻ như sự dữ vẫn được tiếp tục hoành hành? Tại sao bệnh tật, đói khát, bất công, giết chóc, vẫn còn đó? Thật ra, Chúa Giê-su không hề hứa hẹn là những thứ này sẽ chấm dứt, mà ngược lại, Ngài nhắc nhở chúng ta rằng:
Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy. (Ga 15:20-21)...
Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16:33)
Sự chiến thắng của Đức Ki-tô đối với tử thần đã mở đường hy vọng cho chúng ta chiến thắng sự dữ. Để chiến thắng sự dữ, cần thiết phải đi qua con đường thập giá Chúa đã đi. Mỗi người chúng ta đều mang trên mình một vài cây thập giá của riêng mình. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng can đảm để vác thập giá của mình. Thế gian là chốn khổ đau. Chúng ta đang sống trong thế gian. Hành trình về Nước Trời bắt buộc phải đi qua những chặn đường khổ đau, và nếu chúng ta vâng lời Chúa, Chúa sẽ ngự trong chúng ta, và dù có khổ đau, chúng ta vẫn luôn luôn bình an.
Chia Sẻ:

Cập nhật tình hình bị gãy xương bàn chân

Hôm kia vào bệnh viện để khám và chụp X-quang. Ông bác sĩ cấp cứu (urgent care) bán cho cặp nạng, cho đi gặp chuyên khoa và dọa là xác suất 75% phải làm phẩu thuật. Ớn!

Hôm qua 6:40AM đi khám chuyên khoa. Bác sĩ cho biết không cần làm phẩu thuật, chi cần mang giày ống đặc biệt (họ bán giá $190CAD) để dưỡng thương. Hú hồn! Nhưng tạm thời không được lái xe.

Hình X-Ray.
Thử đoán vị trí.
Giày ống đặc biệt (walker boot).

Chia Sẻ:

Con gái nhân hậu

Con gái có lòng thương người, bắt đầu với người trong gia đình.

Hình chụp vào lúc sáng Chúa Nhật.
Hôm Thứ Bảy vừa rồi, con giúp Ba tắm cho em. Đang tắm thì con bị xay xẩm mặt mày, muốn ngã quỵ. May là lúc đó Ba đang ở gần, thấy vậy Ba thất kinh hồn, vội dìu con vào giường con, lau cho khô người, mặc quần áo, đắp chăn ấm cho con. Một lát sau thì con đã trở lại bình thường. Tạ ơn Chúa!

Chiều Chúa Nhật, trong lúc cả nhà đi chơi nhào lộn trong công viên bạt nhún (trampoline park) thì Ba bị té trật chân*. Về đến nhà, con đã lấy cối chày ra giã gừng, và lấy mảnh vải để cho ba bó chân.

Ba tiếp tục cảm ơn Chúa vì ba anh em các con đều rất ngoan và biết thương người. Xin Ngài không ngừng phái các thiên sứ của Ngài để bảo vệ và che chở các con.

---
* Hôm nay đi bệnh viện khám, mới biết không phải bị trật chân, mà là gãy xương bàn chân.
Chia Sẻ:

Bảy ngày cuối đời của Đức Giê-su (phần 1)

Bài viết này "mượn" ý từ một bài thuyết giảng của bác Brant Pitre, giáo sư Kinh Thánh tại học viện Augustine Institute ở Colorado, Hoa Kỳ. Bài giảng mang tựa đề, Holy Week, và tôi đã nghe được nó từ trang mạng formed.org, một dịch vụ streaming của Augustine Institute.

Ngày Thứ Nhất: Chúa Nhật Lễ Lá (Mác-cô chương 11)
Bê-ta-ni-a (al-Eizariya) và Giê-ru-sa-lem thời nay (Hình từ Google Maps).
Chúa Giê-su tiến về thành Giê-ru-sa-lem từ phía Núi Ô-liu tại Bê-ta-ni-a (nay được gọi là al-Eizariya, tiếng Á-rập nghĩa là Nơi của La-za-rô). Tức là từ phía đông. Trong Sách Tiên Tri Ê-dê-ki-en, ngôn sứ có chép, từ lâu lắm Thiên Chúa đã rời bỏ đền thờ Giê-ru-sa-lem vì tội lỗi Ít-ra-en quá nặng:
Vinh quang ĐỨC CHÚA bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các Kê-ru-bim. Các Kê-ru-bim dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất trước mắt tôi khi đi ra ; các bánh xe cũng chuyển theo cùng một lúc. Các Kê-ru-bim dừng lại ở lối vào cửa đông Nhà ĐỨC CHÚA, và vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en ngự bên trên các vị ấy. Đó là sinh vật tôi đã thấy ở bên dưới Thiên Chúa Ít-ra-en, tại sông Cơ-va, và tôi nhận ra đó là các Kê-ru-bim. Mỗi Kê-ru-bim có bốn mặt và bốn cánh : có cái gì giống như bàn tay con người ở dưới cánh các vị ấy. Còn bộ mặt của các vị ấy thì đó là những bộ mặt tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Mỗi Kê-ru-bim cứ thẳng trước mặt mình mà đi. (Ez 10:18-22)
 Nhưng Tiên Tri sau đó cũng tiên báo cho thấy sự trở lại của vinh quang Thiên Chúa từ cửa đông của đền thờ:
Người ấy đưa tôi đi tới cổng, cổng quay về phía đông, và này, vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en từ phía đông tiến vào. Bấy giờ có tiếng như tiếng nước lũ và đất rạng ngời vinh quang ĐỨC CHÚA. Thị kiến này giống như thị kiến tôi đã thấy khi Người đến để huỷ diệt thành, đồng thời cũng giống như thị kiến tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Bấy giờ, tôi sấp mặt xuống đất. Vinh quang ĐỨC CHÚA tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông. Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang ĐỨC CHÚA tràn ngập Đền Thờ. Tôi nghe có Đấng phán với tôi từ Đền Thờ, trong khi người kia vẫn đứng bên tôi. Đấng ấy phán với tôi: “Hỡi con người, đây là nơi Ta đặt ngai của Ta, đây là nơi Ta đặt các bàn chân của Ta. Ta sẽ ngự tại đây, giữa con cái Ít-ra-en, cho đến muôn đời. Nhà Ít-ra-en, cả chúng lẫn các vua của chúng, sẽ không còn làm ô uế danh thánh của Ta vì những sự đàng điếm và xác chết các vua của chúng nữa, khi chúng dám đặt thềm của chúng sát thềm của Ta, cánh cửa của chúng sát cánh cửa của Ta với một bức tường giữa Ta với chúng mà thôi. Chúng đã làm ô uế danh thánh của Ta bằng những điều ghê tởm của chúng, nên Ta đã tận diệt chúng trong cơn thịnh nộ của Ta. Giờ đây, chúng phải đem đi cho khuất mắt Ta những sự đàng điếm của chúng cũng như xác chết các vua của chúng, rồi Ta sẽ ngự ở giữa chúng cho đến muôn đời. (Ez 43:1-9)
 Dân Giê-ru-sa-lem nhận ra các dấu hiệu của sự trở về của Vì Vua, nên họ đã náo nhiệt chào mừng Ngài vinh quang tiến vào Đền Thánh. Nhưng thay vì tiến lên cung thánh để dâng hy lễ như mọi người mong đợi, Chúa Giê-su chỉ "rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai (Mc 11:11)". Thử hỏi tại sao ngài không dâng hy lễ? Trả lời: hy lễ mà ngài sẽ dâng chính là thân mình, vào Thứ Sáu sắp tới.

Ngày Thứ Hai: Khôi Phục Trật Tự Tự Nhiên
Cây vả - Sycamore fig tree  (Hình từ Wikipedia)
Hôm nay Chúa Giê-su lần nữa trở lại Đền Thờ và trên đường đến Đền Thờ, Ngài đã làm một việc kỳ lạ là nguyền rủa cây vả khi tìm thấy nó không kết trái. Phúc Âm ghi rõ lý do: "vì không phải là mùa vả" (Mc 11:13). Vậy thì tại sao Chúa lại mắng nó với câu nói, "muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mi nữa". Giáo Sư Brant Pitre gợi ý rằng đây có liên quan đến Sáng Thê Ký. Theo truyền thống đạo Do Thái, trái cấm, mà Chúa cấm A-dong và E-và không được ăn, đó là trái vả chứ không phải trái táo như chúng ta thường nghĩ. Ông dẫn chứng rằng, ngay sau khi ăn trái câm và nhận ra mình trần truồng, A-dong và E-và đã dùng lá vả để kết làm khố che thân (St 3:7). Cho nên, lời nguyền rủa đối với cây vả là sự tiên báo rằng Ngài sẽ khôi phục lại trật tự tự nhiên giữa Thiên Chúa với loài người, và giữa loài người với vạn vật.

Khi vào đến Đền Thờ, Ngài liền xua đuổi những người đổi bạc và người buôn bán ra khỏi Đền Thờ với câu phán: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc". Trật tự tự nhiên của Đền Thờ là để cầu nguyện. Liên kết việc làm này với những gì Tiên Tri I-sai-a đã viết, chúng ta có thể thấy rằng Chúa Giê-su đang thiết lập một Đền Thờ mới mà I-sai-a đã tiên đoán:
Quả vậy, ĐỨC CHÚA phán như sau : Nếu những người bị hoạn mà vẫn giữ các ngày sa-bát Ta truyền, và lựa chọn điều Ta ưa thích, cùng tuân thủ giao ước của Ta, thì trong nhà và trong tường luỹ của Ta, Ta sẽ cho chúng được lưu danh và có đài kỷ niệm; như thế còn quý hơn con trai con gái. Ta sẽ cho tên tuổi chúng trường tồn, không bao giờ bị ai xoá bỏ. Người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân. (Is 56:4-7)
Trong Đền Thờ mới này sẽ bao gồm những thành phần vốn đã từng bị cấm bước vào cung thánh của Đền Thờ thời bấy giờ, là các tư tế (linh mục) thuộc những người "ngoại bang" (không phải dân Do Thái), và những người "bị hoạn"(không vợ con).

Chia Sẻ:

Chúa Nhật V và VI Mùa Chay: Người đàn bà ngoại tình đã giết Chúa là ai?

Ảnh: Tiến vào Thành Jerusalem của hoạ sĩ Duccio di Buoninsegna
Hôm nay tôi viết bài này là ngày Chúa Nhật Lễ Lá, tưởng niệm ngày Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem và được dân thành trải những nhành lá ô liêu lót đường nghênh đón ngài. Thứ Sáu sắp tới đây, tức là sáu ngày sau khi vinh quy trở về thành Giê-ru-sa-lem, cũng những người dân này sẽ kết án và xử tử Đức Giê-su về tội phạm thánh. Tại sao họ lại trở mặt nhanh như vậy? Trả lời nhanh: tại vì Chúa Giê-su không làm theo ý họ. Họ muốn Chúa khôi phục lại vương quốc Giu Đa khỏi ách thống trị của đế quốc La Mã bằng vũ lực, như các anh anh em Giu-đa Mác-ca-bê đã làm (và đã thất bại). Nhưng đó là những diễn biến sẽ xảy ra trong Tuần Thánh sắp tới.

Hôm nay tôi muốn thụt lùi lại thêm một tuần để suy niệm. Vào Chúa Nhật Tuần Thứ Năm Mùa Chay vừa qua, trong bài Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 8, chúng ta được nghe về người đàn bà ngoại tình bị bắt "trong lúc đang phạm tội", bị lôi vào Đền Thờ và bị sĩ nhục nơi công chúng. Những vị giáo sĩ và kinh sư thời bấy giờ đã dùng bà để gài bẫy Chúa Giê-su xem Ngài xử bà như thế nào, vì theo luật Môi-sen thì bà phải bị ném đá cho đến chết.

Vài điểm đáng thắc mắc trong sự kiện trên đây:
  1. Nếu bà bị bắt trong lúc đang phạm tội ngoại tình, thì người đàn ông đồng phạm tội với bà đâu, sao không thấy được nhắc đến trong câu chuyện?
  2. Nạn nhân trong vụ này là chồng của người đàn bà ngoại tình. Ông ta đang ở đâu mà Thánh Kinh cũng im lặng về ông?  
Sự kiện Người Đàn Bà Ngoại Tình này là một phúng dụ, ám chỉ về toàn thể loài người, về những người tín hữu như tôi. Từ lúc chịu phép Rửa Tội, Cha Chủ Lễ đã hỏi chúng ta những câu này:
  • Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, anh chị em có từ bỏ tội lỗi không?
  • Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ bất chính không?
  • Anh chị em có từ bỏ ma quỉ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không?
  • Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
  • Anh chị em có tin Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết, và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?
  • Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại, và sự sống vĩnh cửu không?
Với từng câu hỏi trên, chúng ta trả lời khẳng định niềm tin vào Đấng tạo nên vũ trụ, muôn vật hữu hình và vô hình, đấng duy nhất xứng đáng được chúng ta tôn thờ. Vì đây đích thật mới là Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn, và Thái Thượng Lão Quân mà Đạo Giáo người Trung Hoa Cổ Đại họ tôn thờ. Vì sự tôn thờ phát xuất từ cõi lòng sẽ đưa chúng ta gần gũi với Thiên Chúa, một sự gần gũi mật thiết ví như người vợ gần gũi với chồng mình. Ngay từ lúc tạo nên loài người, Chúa đã thiết lập bí tích hôn nhân giữa người nam và người nữ như là một dấu chỉ về sự kết hợp giữa Thiên Chúa và loài người, để nâng loài người lên cung bậc thần thánh!

Thế nhưng ngay từ đầu, loài người đã phản nghịch. Thay vì tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, loài người đã ngoại tình, đã nghe lời dụ dỗ của quỷ sứ và tôn thờ dục vọng của chính mình. Hình ảnh của người đàn bà ngoại tình trong bài đọc Tin Mừng kia chính là hình ảnh của chúng ta. Trong câu chuyện huyền bí ấy có hai nhân vật thầm lặng: người đàn ông thông dâm là quỹ dữ đã cám dỗ chúng ta, và người chồng bị phản bội chính là Thiên Chúa. Chúng ta, thay vì vâng phục các điều răn của Chúa qua sự dạy dỗ của Hội Thánh, đã tự làm theo ý mình, tự đưa mình vào ngôi vị khôn ngoan hơn cả Thiên Chúa. Tử vi, bói toán, phong thuỷ, cầu hồn, ngừa thai, phá thai, ly dị, tà dâm, v.v..., là những việc làm phản nghịch mà qua những hành động ấy chúng ta đã "ngoại tình" đối với Thiên Chúa.

Về phần Thiên Chúa, Ngài đã đối xử như thế nào đối với những kẻ ngọai tình là chúng ta, và chúng ta đã tiếp tục phản bội Ngài như thế nào? Trong Tuần Thánh này, tôi sẽ sẽ tiếp tục suy ngẫm thêm về câu hỏi này.

Chia Sẻ:

Ý Kiến Bạn Đọc

Facebook

Nhãn

anh ngữ (1) ảo ba trì (10) apologia pro vita sua (3) ăn uống (2) bà nội (5) bạo lực (1) bảo quản xe ôtô (4) benedictxvi (3) bí tích thánh thể (8) canada (37) catholic (2) cầu nguyện (11) cbc (2) chết chóc (3) chính trị (6) chúa ba ngôi (24) chứng nhân giê-hô-va (3) CNE (2) covid-19 (10) cộng đồng (3) công giáo (134) công nghệ (6) cộng sản (2) công việc (24) cuba (1) cung tự phục hổ quyền (2) cuối tuần (6) dạy con (1) dị ứng (4) dịch thuật (1) du lịch (9) du lịch bằng xe (2) du ngoạn (9) dụ ngôn (1) đại hội giới trẻ (3) đạo (1) đêm tối tăm (5) đi công tác (3) độc cô cầu đạo (36) đời sống (5) english (4) francis-xavier nguyễn văn thuận (1) gãy xương (5) gia đình (79) giáng sinh (8) giáo lý (9) giao thông (5) giao tiếp (1) giới tính (4) gò công (6) grand bend (1) guelph (7) gương thánh nhân (10) hài hước (2) hành hương (1) hòa giải (1) hoa kỳ (5) hỏa ngục (3) hội hè (2) hội thánh (3) hồi tưởng (8) hôn nhân (7) humanae vitae (1) huntsville (2) hứa hẹn đầu năm (1) jpii (8) kế hoạch kungfu panda (1) khoa học (3) khổ đau (2) khủng bố (1) kinh doanh (5) kinh nguyện (3) kinh thánh (42) lectio divina (1) lễ tạ ơn (4) lễ tro (1) linh thao (1) linh tinh (4) lòng thương xót chúa (5) luật pháp (2) lumen fidei (1) máy vi tính (1) mầu nhiệm (1) memento mori (3) mê hồn trận (18) montreal (1) mùa chay (60) mùa đông (1) mùa hè (5) mùa vọng (3) mùa xuân (4) ngắm đàng ánh sáng (1) nghỉ xuân (1) ngôn ngữ (3) người việt khắp nơi (2) nhà cửa (4) nhật bản (3) nhật ký nghĩa vụ bồi thẩm đoàn (3) ontario (19) ottawa (2) phá thai (2) phật giáo (7) phép xã giao (1) phim (4) phục sinh (13) quê hương (2) rắn (2) rượu bia (3) Sauble Beach (1) sống đạo (3) st. thomas (canada) (13) summa theologica (1) suy ngẫm (57) sự sống (1) sức khoẻ (2) sức khỏe (10) tam nhật thánh (2) tâm lý (5) Tết (8) tháng tư đen (2) thành bại (1) thánh lễ (1) thánh mẫu (3) thần học thân xác (3) thể dục (1) thế giới (1) thị trường (1) thiên chúa giáo (27) thiên đàng (2) thiên nhiên (6) thiên tai (1) thiên văn (1) thời sự (41) thời tiết (20) thư giản (1) tin mừng (2) tình dục (3) tĩnh tâm (34) tình yêu (6) toronto (49) tổ tiên (6) tội (7) tôi là (24) tội tổ tông (7) tôn giáo (8) trầm tư (28) trung quốc (2) ttc (3) tuần hoàn (1) tuần thánh (5) vật lý (1) verbum domini (1) việt nam (14) viết trên iPod (21) vlog (4) võ học (2) vô thần (3) waterloo (3) wikileaks (2) xã hội (2) xe đạp (15) xưng tội (45) y học (2)

Bài Mới Nhất

Được Xem Nhiều Nhất

Người theo dõi

Lưu trữ Blog