Hôm nay là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh và cũng là ngày Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Tôi tiếp tục suy ngẫm về bảy ngày cuối cuộc đời trần thế của Đức Giê-su, tiếp theo
phần 1.
Ngày Thứ Ba: Khôi Phục Ý Nghĩa Nguyên Thuỷ của Hôn Nhân
Sáng sớm ngày Thứ Ba, Chúa Giê-su và các môn đệ lại trở vào Thành từ Bê-ta-ni-a. Ngài bắt đầu dùng dụ ngôn mà rao giảng trong Đền Thờ và đối chất với các thượng tế và kinh sư. Từ khi con người đánh mất hào quang Thiên Chúa trên mình bởi tội tổ tông, con người đã ngày càng hiểu sai hơn về mục đích của công trình tạo hoá, trong đó có mục đích của hôn nhân. Trong một cuộc đối thoại với người phái Xa-đốc (Sadducees), họ dùng một giả sử về người đàn bà có bảy đời chồng và các ông chồng đã lần lượt chết tiếp theo nhau, để thử thách Chúa Giê-su về sự sống lại. Nhưng Ngài đã chỉnh sửa họ với câu trả lời:
"Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Thật vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời." (Mc 12:24-25)
Bởi hôn nhân tự nhiên là một dấu chỉ về một thực tại siêu nhiên hơn, nên cần thiết có một cái nhìn thánh khiết để chúng ta có thể thấy rằng sự giao hợp giữa người nam và người nữ ở đời này là tượng trưng cho sự giao hợp giữa loài người và Thiên Chúa ở đời sau. Vì thế cho nên ngay từ đầu, hôn nhân là một sự kết hợp trường tồn và vĩnh cữu. Bởi thế Chúa đã dạy, "Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình" (Mc 16:18). Vì vậy, tôi đoán rằng, Chúa khen ngợi việc làm cao cả của bà goá nghèo trong Mác-cô 12:41-44 là vì bà rộng lượng cam chịu ở góa cho đến cuối đời, hơn với sự rộng lượng về tiền bạc. Nhưng vì thực trạng yếu đuối của đời phàm mà Hội Thánh cho phép những người goá được tái hôn hầu đỡ bớt gánh nặng cho họ trong một thế gian đầy đau khổ này. Hình ảnh của hôn nhân, là biểu tượng cho sự giao hợp giữa Thiên Chúa và con người, đã được lập đi lập lại trong Thánh Kinh, đặc biệt là trong Sách Diễm Ca. Một trong những câu thốt cuối cùng của Chúa Giê-su là: "Thế là đã hoàn tất!" (Gioan 19:30). Chữ "hoàn tất" rút từ tiếng Hy Lạp "telelestai" và được Thánh Giê-Rôm dịch nguyên câu ra tiếng La Tinh là "Consummatum est!" (It is consummated!). Hoàn tất ở đây còn có ý nghĩa là sự hoàn tất của hôn sự, khi hai vợ chồng động phòng đêm tân hôn.
Ngày Thứ Tư: Giao Ước mới đã được tiên báo qua hình ảnh Thánh Giu-se thời Cựu Ước
Vào ngày Thứ Tư, Chúa Giê-su lưu lại Bê-ta-ni-a và được một người phụ nữ xức "dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền" (Mc 14:3-9). Tập tục này ngày nay chúng ta cũng được thấy qua nghi thức Xức Dầu cho bệnh nhân.
Cũng trong ngày hôm nay, Giu-đa It-ca-ri-ót ra âm mưu phản Chúa với 30 nén bạc. Sự kiện này liên kết Chúa Giê-su với Thánh Giu-se thời Cựu Ước. Thánh Giu-se cũng từng bị một trong 11 người anh em của mình là Giu-đa bán đi với 20 nén bạc, bị lưu đày sang Ai Cập, nhưng sau đó, nhờ tài giải mộng, ông được nâng lên tột cùng danh dự, chỉ dưới tước vị của Pha-rao mà thôi, và từ tước vị ấy Giu-se đã giải cứu cả toàn thể dân Giu-đa khỏi nạn đói, bằng cách ban cho họ lúa thóc dự trữ của Pha-rao. Chúa Giê-su sau khi sống lại, sẽ cứu nhân loại khỏi sự chết, bằng cách ban cho chúng ta bánh hằng sống để ăn, đó là chính Mình và Máu Thánh của Ngài.
Ngày Thứ Năm: Bữa Tiệc Ly
Chiều Thứ Năm, Chúa Giê-su sai Phê-rô và Gio-an vào thành để chuẩn bị cho lễ vượt qua. Ở đây, Giáo Sư Brant Pitre giải thích về nghi thức người Do Thái trong việc chuẩn bị. Dân Ít-ra-en sẽ mổ con vật tế (cừu hoặc dê) mà họ mang theo, và vị tư tế sẽ hứng máu nó rồi đem tạt máu ấy dưới chân bàn thờ. Vật tế sau đó được xiên vào thanh cây hình chữ thập và được nướng quay. Như thế cho thấy, tập tục người Do Thái cũng đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ dâng hiến của lễ toàn thiêu bằng cách nào.
Cũng trong bữa tiệc ly tối hôm nay, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể truyền lại cho các môn đệ, để thực hiện lời hứa: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế" (Mt 28:20).
Sau bữa ăn, Ngài cùng các môn đệ hát Thánh Vịnh (Mt 26:30); Thánh Vịnh 113-116 được Hội Thánh ngày nay đọc lên trong Thánh Lễ Tiệc Ly. Rồi thì Ngài đi cầu nguyện trong Vườn Dầu để chuẩn bị cho chặng đường thương khó; ngày nay Thánh Lễ Thứ Năm còn được gọi là Lễ Truyền Dầu. Ngài quay lại ba lần để khuyên các môn đệ canh thức cùng với Ngài:
"...Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức...Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn...Si-môn, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối...Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!" (Mc 14:32-42)
Ngày Thứ Sáu: Chịu Khổ Nạn và Đóng Đinh trên Thập Giá
Sau một đêm bị chịu cực hình bởi Quan Tổng Trấn Phi-la-tô, Đức Giê-su bị đóng đinh trên cây thập tự. Sau khi Ngài chết, quân lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài và lập tức máu và nước tuông ra từ chỗ bị đâm. Điều này gợi nhớ đến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vào ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua, nơi có máu và nước tuôn chảy ra từ bên phải đền thờ; máu từ các con vật hy sinh bị hành huyết và nước rửa chạy ra từ rạch nước thảy từ trong Đền Thờ chảy ra. Chúa Giê-su là Đền Thờ mới thay thế Giê-ru-sa-lem, và Cung Thánh chính là Trái Tim Cực Thánh của Ngài. Đây cũng là hình ảnh của Lòng Chúa Thương Xót mà Thánh Nữ Faustina đã nhìn thấy vào năm 1931.
Ngày Thứ Bảy: Rao Giảng Tin Mừng Đến Tận Âm Phủ
Ngày hôm nay, thân xác Ngài yên nghỉ như Ngài đã từng nghỉ ngơi sau khi làm công việc sáng thế lúc Khởi Nguyên, nhưng Thần Khí Ngài tiếp tục làm việc cho Đức Chúa Cha ở tận chốn Âm Phủ nơi A-dong, E-và, tổ phụ Áp-ra-ham, và các thánh nhân từ thời Cựu Ước đang chờ đợi. Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô chép:
Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm. (1Ph 3:18-19)...
Quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa. (4:6)
Ngày Thứ Tám: Phục Sinh, Một Công Trình Tạo Hóa Mới
Đây là trở lại ngày thứ nhất trong tuần, gợi nhớ ngày đầu trong bảy ngày Chúa tạo nên vũ trụ vạn vật. Đức Giê-su sống lại từ cõi chết để "mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1Cor 15:20), cho một vũ trụ mới, một vũ trụ mà sự ác đã bị đánh bại.
Ngày nay, kể từ khi Đức Ki-tô phục sinh, đã trở về Trời, và đã ban Thần Khí của Ngài là Chúa Thánh Thần đến ngự giữa chúng ta, chúng ta đang sống trong một thế giới mà phe tà đạo đã thua phe chánh đạo. Thế nhưng tại sao, chung quanh ta, có vẻ như sự dữ vẫn được tiếp tục hoành hành? Tại sao bệnh tật, đói khát, bất công, giết chóc, vẫn còn đó? Thật ra, Chúa Giê-su không hề hứa hẹn là những thứ này sẽ chấm dứt, mà ngược lại, Ngài nhắc nhở chúng ta rằng:
Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy. (Ga 15:20-21)...
Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16:33)
Sự chiến thắng của Đức Ki-tô đối với tử thần đã mở đường hy vọng cho chúng ta chiến thắng sự dữ. Để chiến thắng sự dữ, cần thiết phải đi qua con đường thập giá Chúa đã đi. Mỗi người chúng ta đều mang trên mình một vài cây thập giá của riêng mình. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng can đảm để vác thập giá của mình. Thế gian là chốn khổ đau. Chúng ta đang sống trong thế gian. Hành trình về Nước Trời bắt buộc phải đi qua những chặn đường khổ đau, và nếu chúng ta vâng lời Chúa, Chúa sẽ ngự trong chúng ta, và dù có khổ đau, chúng ta vẫn luôn luôn bình an.