Home »
cầu nguyện
,
công giáo
,
gia đình
,
lòng thương xót chúa
,
mùa chay
,
tĩnh tâm
,
toronto
» Tĩnh tâm Mùa Chay 2014: Gia đình là Thiên Đàng
Tĩnh tâm Mùa Chay 2014: Gia đình là Thiên Đàng
Tối nay tôi đã được dịp đi nghe Cha Phêrô Nguyễn Tiến Linh đến từ California để giảng phòng tĩnh tâm Mùa Chay cho cộng đoàn Toronto. Đề tài tối hôm nay: gia đình là thiên đàng (đề tài ngày mai sẽ là: gia đình là hỏa ngục :-)). Tôi nghĩ mình cần tóm lại những ý tưởng tưởng chừng như đơn giản mà Cha đã nêu lên, để giúp mình suy ngẫm cho thấm nhuần thêm...
Ở đâu có Thiên Chúa, ở đấy có Thiên Đàng.
Chúa là tình yêu.
Gia đình là kết quả của tình yêu.
Vậy khi trong gia đình có tình yêu thương, thì ở đấy có Thiên Chúa, và gia đình đó là dấu chỉ cho thiên đàng.
Nhưng gia đình nào cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc sung sướng, lúc khổ cực, có lúc hòa hợp, và cũng có lúc xung đột.
Dự phòng trước cho bài giảng của Cha ngày mai, thử hình dung khi nào gia đình sẽ biến thành hỏa ngục. Tất nhiên là khi gia đình xung đột, đời sống khốn khổ, hoặc những lúc chán ngán, đời sống vợ chồng không hòa thuận, con cái không vâng lời. Mọi việc tưởng chừng như vô vọng. Vậy trong những khoảnh khắc hỏa ngục ấy, Thiên Chúa có ở cùng tôi không? Câu trả lời dĩ nhiên là "có", và nó liên quan mật thiết đến sự tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.
Giáo Lý Công Giáo dạy rằng sau khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xuống ngục tổ tông, tức là nơi hỏa luyện ngục. Tại sao Chúa Giêsu, một con người vô tội, lại phải chịu khổ nạn cho đến chết và lại phải "bị đày" xuống địa ngục nơi linh hồn của các tội nhân đang chịu phạt? Tại vì, Ngài muốn cho tôi thấy rằng, ngay những lúc tôi khổ đau, khốn nạn nhất trong đời người, Ông Trời vẫn tiếp tục đồng hành với tôi. Ngài xuống địa ngục để biến địa ngục thành thiên đàng. Và đó là một sự an ủi vô cùng lớn lao. Cuối cùng thì, sự đau khổ và khốn cùng của loài người cũng có ý nghĩa, nếu chúng ta biết tín thác và đi theo Ngài.
Hồi trưa đọc tin tức, lại thấy có một luật sư thành đạt ở Toronto đã dụng đến phương pháp trợ tử vì cơn bệnh đau đớn hiểm nghèo. Đọc xong tôi chỉ biết thở dài, nửa cảm thông cho người phải chịu đau triền miên năm này qua tháng nọ, một ngày như thể là mãi mãi. Sự đau đớn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Trong những lúc ấy, người ta biết làm gì, ngoài việc cầu nguyện, và lắng nghe Lời Chúa thỏ thẻ bên tai mình: đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không có việc gì là không thể được.
Vì cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. +Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét