Ba ngày Lễ Tạ Ơn, Tạ ơn Chúa vì tuy bản thân là một kẻ tội tình, nhưng được Chúa xót thương, được nhiều cao nhân tới viếng thăm, trong đó Bác Năm, Bác Long, Cô Chú Saint Thomas, và mấy đứa em, trong đó có Tứ Đệ của tôi. Ngày thứ nhất ăn nhậu bán mạng suốt đêm đến 9 giờ sáng mới ngã ngũ. Hai ngày còn lại ngồi lắng nghe và học hỏi từ các tiền bối về những nan đề hóc búa nhất của đạo lý làm người, từ việc chuyển hóa cơn giận, đến việc dung hòa với sự bất đồng quan niệm, đến việc làm sao để đối diện với sự khổ đau. Ngồi hầu chuyện, tôi thầm cầu nguyện trong lòng, xin Thánh Thần dạy con nên nói những lời gì để truyền báo Tin Mừng. Nhưng Chúa đã im lặng. Nên tôi cũng im lặng, phó thác theo thời khóa biểu của Ngài. Ở đây chỉ ghi lại lời dạy của Bác Năm, một cư sĩ nhà Phật, về việc chuyển đổi tâm giận: hãy rèn luyện tâm thức để luôn luôn tỉnh táo nhận biết khi mình bắt đầu giận, để nhận biết người mà mình đang trút cơn giận lên đầu đó là người mà Ơn Trên đã giao phó cho mình bổn phận và trách nhiệm thương yêu, và đặt niềm vui của họ trên mọi sự bực dọc của bản thân mình. Người Công Giáo định nghĩa chữ "yêu" là thế này: yêu là luôn luôn mong muốn mọi sự tốt lành cho người mình yêu. Nếu đã là như thế, thì tôi không thể tạo mâu thuẫn ở việc từ cái mong muốn sự tốt lành cho họ mà mình chửi mắng, gây tổn thương tới tinh thần lẫn thể xác họ khi họ làm trái ý tôi.
Người đời thường hay hỏi một câu hỏi khó trả lời: Tại sao trên đời lại lắm sự khổ đau? Tôi nghĩ có lẽ là Ông Trời cho phép sự khổ đau xảy ra để tạo cơ hội cho người phàm biết thương yêu nhau hơn. Mấy tuần trước ở Toronto có một danh y của bệnh viện Mount Sinai, là Bác Sĩ Donald Low, vừa qua đời vì chứng bệnh bứu não (brain tumor). Trước khi qua đời ông để lại một đoạn video van xin chính quyền hãy ban hành luật cho phép trợ tử. Không coi nhẹ sự đau đớn của những người mắc bệnh hiểm nghèo như bác Low, nhưng tôi nghĩ bác ta đã lỡ lời. Nếu muốn tôn trọng nhân phẩm của người bệnh thì người ta nên tìm cách để làm giảm thiểu sự đau đớn của bệnh nhân. Đó là một thể hiện của tình nhân đạo. Giúp họ tự tử hoặc, trầm trọng hơn, trực tiếp kết liễu sinh mạng của họ, là tôi tước đi cơ hội của họ để cảm nghiệm tình yêu thương trong sự khổ đau. Từ đó phải đặt câu hỏi, có thật là tôi không nở khoanh tay đứng nhìn họ đau đớn, hay là tôi không muốn phải phiền toái việc chăm lo một cách trọn vẹn cho quảng đời còn lại của họ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét