"Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14:26)Thật là một nỗi thống khổ lớn lao khi ta phải từ bỏ người thân, chẳng khác nào ta bỏ đi một phần của bản thân ta. Nhưng trong trường hợp nào thì ta buộc phải bỏ đi những gì tưởng chừng như không thể từ bỏ được? Trả lời: Khi họ đã vượt quá giới hạn của giai trò một người thân. Bài học cần nên nhớ: Đừng vì tình thân mà làm ngơ với giá trị đạo đức và công bằng.
Khi tình thân đã tự biến mình thành thượng đế, nó đã trở nên nguy hiểm cho ta, mà cũng nguy hiểm cho chính người thân mình. Trong trường hợp ấy, ta phải chống đối. Ta phải "ghét" những gì nó đã trở thành. Từ "ghét" mà Chúa dùng xem có vẻ cực đoan, nhưng nó biểu hiện một thái độ dứt khoát. "Ghét" trong lúc này thực ra là một hành động thương người. Bởi nếu ta xuôi theo họ, thì sau này sự việc trở nên trầm trọng, họ có tội, mà ta cũng không tránh được trách nhiệm vì đã để yên cho họ làm điều sai mà không bào chữa. "Ghét" ở đây còn có hàm ý đối thoại. Và ta phải tiếp tục đối thoại. Ngay cả khi đối thoại bằng lời không được nữa, thì ta tiếp tục đối thoại bằng sự im lặng. Khi ta lên tiếng, ta cần chuẩn bị tinh thần để nhận lấy sự bất hòa, bởi ở đời mấy ai dễ chấp nhận được lời chỉ trích. Đó là thập giá: tiếp nhận sự ngược đãi, và cầu cho sự chịu đựng của mình có thể cảm hóa được lòng người.
Dĩ nhiên, khi đã "ghét" đến mức độ nào đó mà vẫn không có hiệu quả, thì ta buộc phải "từ bỏ". Ta bỏ vì họ đã trở thành sự vướng vấp đối với sự phát triển tâm linh của ta. Và lần nữa, từ bỏ vẫn nằm trong phạm trù bác ái. Ta bỏ vì khi tiếp cận với họ, ta khiến họ bực bội và khó chịu hơn chứ chẳng ích lợi gì. Và ta chuẩn bị tinh thần, để khi họ vấp ngã, ta sẽ kịp thời đón nhận họ trở về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét