23:46 anh Hải gọi về có việc gấp cô năm bệnh nặng kh qua khỏi, gấp, gấpLật đật tìm thẻ gọi về VN thì được nghe câu nói không muốn nghe: “Cô Năm mất rồi anh ơi!” Lời nghe như sét đánh ngang tai. Trèo lên mạng thì được mấy đứa em--con của Cô—mở webcam cho nhìn mặt thì …Trời ơi! Cô tôi đang nằm đó dưới tấm khăn liệm màu vàng, vẻ mặt bình thản như một người đang ngủ.
23:47 anh hỏii Bác Ba có về được kg? Cô 5 bị xuất huyết não
23:48 goi so dt em XXXX Tu…
Hôm sau (Thứ Tư) tẩm liệm vào đưa vào áo quan, Cô được để nằm nhà hai ngày cho quan khách viếng thăm, đến sáng ngày thứ ba (tức sáng Thứ Bảy bên đó) vào lúc 7h00 thì đã tiến hành nghi thức hỏa thiêu. Mấy đứa em tôi bảo bảo rằng tụi nó muốn thiêu, thay vì chôn, vì sợ nếu chôn sau này lỡ phần mộ bị giải tỏa thì lại phiền phức; tội nghiệp!
Nhờ mầu nhiệm công nghệ qua dịch vụ Google+ Hangout, mà bên này phụ thân tôi, tam đệ, tứ muội, và tôi đã có dịp tham dự phần nào các nghi thức sau cùng theo tập tục của đạo Phật. Dưới đây là bức thư tôi đã viết, ghi âm, và đã gửi về cho hai đứa em chiều nay, nhưng vì mọi việc tiến hành trong hối hả, nên chúng nó đã không kịp phát lên trong lúc cử hành nghi thức.
---
Cô Năm kính thương,
Vậy là sau một năm vật vã với căn bệnh suy thận, và sau 63 năm vật lộn với điều kiện sanh-lão-bệnh-tử của kiếp người, Ông Trời đã cho Cô chính thức về hưu an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Con ghi mấy dòng cuối cùng này, góp lời cùng với mấy đứa em con--nhất là Phong, Tuyền, và Đạt--để nói lời cảm ơn, lời xin lỗi, và lời từ biệt với một người Cô mà chúng con đã kính thương như một người Mẹ.
Hồi con còn nhỏ, nếu Bà Nội là người Mẹ thứ hai, thì Cô đã là người Mẹ thứ ba của con. Cô đã chăm sóc cho con như đứa con ruột mỗi khi con lên thành vào những dịp nghỉ hè. Thằng Hải hồi nhỏ “nắng không ưa, mưa không chịu”. Hầu như lần nào lên Sài Gòn là đều bị bệnh, mấy lần phải vào bệnh viện nhi đồng. Con còn nhớ một lần bị sốt, giựt kinh phong, con nằm trên tấm ván gỗ mun và Cô ngồi bên con săn sóc, đắp nước đá. Trong cơn sảng, con đã nói với Cô là “Cô Năm ơi, hồi nãy con đi ra ngoài cổng thì bị họ giữ con lại, không cho con về”. Cô nghe được, liền quýnh lên và bảo, “Con ơi, con đừng nói vậy, đừng làm Cô Năm sợ, con ơi!” Haha … thường ngày Cô hay gọi con là “con thỏ đế”, mà nay Cô lại là người bị sợ. Haha…
Con nhìn lại khoảng đời thơ ấu của con, và nhìn thấy một thằng nhóc hư hỏng nhiều chứ không phải là đứa cháu ngoan. Con đã làm Bà Nội con nhọc hơi, và chắc nhiều lúc cũng đã làm cho Cô mệt sức. Con cám ơn Cô đã thương lo cho con, và con xin lỗi đã nhiều lúc làm cho Cô buồn lòng.
Cô Năm ơi, mỗi lần con nhìn thấy vóc dáng của Cô, là nhìn thấy Bà Nội con. Vóc dáng ấy biểu hiện sự khắc khổ của đời người. Kiếp người Việt Nam mình cực khổ nhiều quá phải không Cô. Nhưng con cũng hiểu rằng, mỗi người chúng ta đều có những chuỗi khổ cực riêng, để gánh vác tùy theo khả năng của từng người, và mục tiêu của khổ cực là để rèn luyện đức tính kiên nhẫn và chịu đựng. Ngoài sự chịu đựng thể xác, nó còn là một cuộc chiến tâm linh mà chúng ta không thể bỏ cuộc, vì bỏ cuộc giữa đường tức là chúng ta đã chịu thua. Và Cô đã không bỏ cuộc. Trong suốt một năm ròng chịu đựng sự đớn đau của căn bệnh, Cô đã không bỏ cuộc, không chịu thua, cho đến hơi thở cuối cùng. Hơn thế nữa, con còn trộm nghĩ rằng hiện giờ Cô đã chiến thắng.
Có một điều con lấy làm hối tiếc, là Ông Trời đã cho con một năm cơ hội để tâm sự với Cô, mà con đã bỏ sót nó nhiều quá. Nhiều lời muốn nói, nhiều niềm vui và, khám phá mới trong đời mà con muốn chia sẻ, về triết lý, về đạo, về cuộc sống tâm linh, về cái khổ cực và cái hạnh phúc của cõi đời. Nay thì đã không còn kịp nói để Cô thấy bằng mắt, và nghe bằng tai. Nhưng, khi con nhìn nét mặt bình an của Cô khi ra đi, như một người đang ngủ, như một bà tiên, hay một vị bồ tát, thì từ đó lóe lên trong con một tia hy vọng tốt đẹp.
Thôi Cô hãy yên nghỉ đi nhé, Cô Năm. Con sẽ nhớ lời nhắn nhủ sau cùng mà Cô đã dạy con hồi năm 2005, về tình nghĩa anh em: nơi xứ lạ, quê người, nên biết đùm bọc, thương yêu, và nhường nhịn nhau. Dù phải vấp ngã và phải đứng dậy nhiều lần, con xin cố gắng làm theo lời cô dặn, như thể thực thi một tâm nguyện: sống đời như sống đạo. Con chào tạm biệt Cô, với lòng tin, lòng cậy, lòng mến, và trong niềm hy vọng sẽ có ngày cô cháu mình gặp lại. Trong khi chờ đợi một ngày đó, xin phó thác linh hồn cô cho Ơn Trên xót thương và phù hộ.
Cháu của Cô,
Trần Thanh Hải
Viết tại Toronto, Canada, vào một trưa Thứ Sáu, trời âm u, ảm đạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét