Theo Kinh Cựu Ước, Ông Trời dựng nên Thế Gian trong sáu ngày. Vào ngày Thứ Sáu, Ông Trời tạo nên con người, giống hình ảnh của Người. Người thổi Thần Khí vào con người, ban cho con người sự sống, ban cho lý trí, ban quyền tự do, ban quyền cai quản mọi tạo vật.
Và loài người đã lạm dụng sự tự do Trời ban, và đã sa ngã. Và hậu quả là, Sự Ác, đau khổ, chết chóc, đã xâm nhập vào thế gian.
Và loài người ngày càng sa lầy trong Sự Ác.
Ông Trời sai nhiều ngôn sứ, các bậc thánh nhân, đến dạy dỗ, dẫn họ về hưởng Ơn Phúc của Ngài. Nhưng loài người vẫn cứng lòng, bởi họ đã mù lòa, đang cực sướng trong sự tự hủy hoại chính bản thân mình, và khi nhìn thấy thân thể mình tàn phế, thay vì quay về suối nguồn ơn phúc ấy để được chữa lành, lại đâm ra thù ghét chính Đấng đã ban cho họ sự sống.
Và họ mù lòa đến độ, ngày chính Con Trời giáng thế để chỉ điểm cho họ qua cõi u mê, mà họ đã dùng cực hình dã man nhất để giết chết Ngài. Tạo vật đã làm nên việc kinh thiên, động địa, là đã giết chết Đấng Tạo Hóa, một sự kiện ngoài sức tưởng tượng của người phàm. Bởi thế nó đã là cơn vướng vấp lớn cho dân Do Thái. Và trong phút chốc ngắn ngủi ấy, quyền lực của Âm Phủ đã reo mừng trong chiến thắng. Họ đánh người chăn chiên, và con chiên sẽ ngơ ngác, tan tác.
Trong sự dã man cực kỳ ấy, tốt lành ở đâu mà gọi là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday)? Tốt lành ở đây: vì qua sự kiện lịch sử này, mọi sự huyền bí về Ông Trời đã được mặc khải cho loài người. Thiên Chúa đã dùng công cụ độc ác nhất của Tử Thần để làm nên một việc cực lành. Sự mặc khải ấy cho thấy: mọi sự khổ đau của con người đều có ý nghĩa, và sự chịu đựng vững bền không hề bị uổng phí. Tôi không biết đêm nay, hơn 2000 về trước, Sa-tăng có thật sự đã vui mừng trong chiến thắng, hay hắn đã bắt đầu kinh hãi trong lòng khi nghe được Lời Nói “mọi việc đã hoàn tất” hồi chiều, và lại nhớ thêm câu, “khi tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”
Đức Cha Charles Chaput còn lưu ý: “Không một người Kitô hữu nào từng sống đời sống Phúc Âm, mà dần dần không phải đối diện với Thập Giá”. Cầu mong rằng, người tín hữu như tôi biết gánh lấy Thập Giá mình như một sự phúc trong cái họa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét