"Tại sao Tận Thế đã không xảy ra ngày hôm qua?"

Video của NASA giải thích:
Chia Sẻ:

Khởi đầu Mùa Vọng 2012

Tuần này là Tuần Lễ Thứ Nhất của Mùa Vọng, theo lịch Phụng Vụ của Hội Thánh.

Thứ Bảy tuần rồi, gia đình tứ muội tôi đến chơi; thằng nhị ca là tôi làm một tiệc nho nhỏ mừng sinh nhật cho nó. Gia đình tứ đệ cũng có mặt. Đến khoảng 9h tối, gia đình đứa em gái ra về, còn lại thằng em trai và tôi. Hai anh em vừa ngồi uống bia, ăn thịt nướng và "cánh trâu" chiên, và tâm sự như chưa từng tâm sự, mãi đến 7h sáng. Đến độ, thằng em ngoại đạo của tôi đã ngõ ý muốn đi Nhà Thờ với tôi trưa Chúa Nhật "cho biết".

Cuộc đời này rất đáng để cho ta hy vọng nhiều.
Chia Sẻ:

Cho là nhận lấy

Trước khi đi ngủ, tranh thủ nghe bài đọc cho Thánh Lễ Chúa Nhật, và nghe bài giảng của Cha Robert Barron về hai bà goá phụ, ghi nhận vài điều cần được suy ngẫm thêm:
- chính lúc bản thân ta cần được nâng đỡ, là lúc Chúa đến mời gọi ta nâng đỡ cho người khác.
- muốn có được thêm, hãy cho hết đi những gì mình đang có.

Những lời dạy này đến với tôi trong khi tôi đang nghiền ngẫm lý do vì sao đa số người Công Giáo đã bỏ phiếu cho Barack Obama trong đợt tổng tuyển cử vừa qua tại Hoa Kỳ. Liên quan gì nhỉ?
Chia Sẻ:

Hy lễ

Xem đoạn video của Cha Robert Barron về Bảy Đặc Tính của một Người Truyền Tin Mới, đọc được lời khuyên của Đức Mẹ Fatima: “Hãy cầu nguyện thật nhiều, và hy sinh cho tội nhân, bởi nhiều sinh linh phải sa hỏa ngục vì không ai dâng hy lễ dùm cho họ.” Tôi thắc mắc không biết hy lễ kia gồm những gì, nhưng dường như nó có liên quan đến Đêm Đen Tối mà tôi đang đi qua.  Chắc không đơn giản chỉ là đi nhà thờ dâng cúng lễ dùm cho họ và cho tôi, mà nó đòi hỏi tôi phải hy sinh cái gì đó của chính bản thân mình, mà qua sự hy sinh đó, nó khiến tôi và họ thấu hiểu hơn về Đức Chúa Trời, để cùng nắm tay quay gót trở về con đường đến Jerusalem, với lòng ăn năn, sám hối.

Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.

Chia Sẻ:

Nghi ngờ

Ngồi thảo bức email mà lòng dấy lên sự nghi ngờ nơi chính bàn thân mình.  Mọi người nghĩ rằng tôi háo thắng, nhưng cũng chỉ vì muốn tuân theo Ezekiel 33:8 mà lần nữa tôi mang danh “bất hiếu”. Khi tôi xin “đừng đóng đinh tôi”, thì lại càng đóng mạnh thêm. Họ là người thân, là ruột thịt của tôi.  Họ đã không hiểu tôi nói gì.

“Lấy lời lành mà khuyên người.”

Tôi có phải là đồ đệ của Ngôi Lời hay không? Nếu phải thì tại sao mọi lời nói của tôi đều gây nên sự phản cảm? Bởi nếu thật sự thầy tôi là Ngôi Lời thì tất nhiên Thánh Thần sẽ mách cho tôi biết phải nói gì.

Tôi đã thất bại.

Chia Sẻ:

Bần thần

Suốt buổi chiều, lòng bần thần, bứt rứt. Tiểu Độc Cô hỏi, “sao Ba buồn quá dạ?…Ba đừng buồn, có con chơi với Ba rồi nè.”

Đã bốn mươi tuổi đầu, không ngờ lại để cho những lời lẽ của mẫu thân mình gây ấm ức muốn rơi lệ.

Phụ thân bảo, “đừng nói gì thêm”.

Vâng, tôi cần phải im lặng, cũng như Chúa đã từng im lặng.

Chia Sẻ:

Việt Nam ngày nay

Đang ngồi ăn trưa, đọc được tâm sự
của con trai bác Điếu Cày qua blog Phương Bích (http://chimkiwi.blogspot.com/2012/10/bao-gio-thi-bo-ve-vay.html), lòng thầm nghĩ: dường như xã hội Việt Nam đã thụt lùi 200 năm.
Vào những thế kỷ 18-19, hoàn cảnh Việt Nam đã hiến cho Hội Thánh 117 vị thánh tử đạo. Hoàn cảnh ngày nay dường như đang mời gọi những người con của Hội Thánh: hãy khoác vào mình chiến bào và thanh gươm của Chúa Cứu Thế, là lòng bác ái và sự khiêm nhường, và hãy cho họ thấy sự bình an của Đức Ki-Tô.
Chia Sẻ:

Tin, ghen, và ơn gọi

Mấy tuần trước, Giáo Hội khai mạc Năm Đức Tin. Ngày Chúa Nhật vừa rồi, Bà lại cho gọi là Khánh Nhật Truyền Bá Đức Tin (Missions Sunday). Sáng nay trên đường đi làm, nghe được bài giảng cũ của Đức Cha Nguyễn văn Khảm về Thánh Nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu, người đã được Giáo Hội tuyên phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh vào năm 1997. Tôi lưu ý đến câu giảng này của Đức Cha:
"Khi [Thánh Nữ Tê-rê-xa] đọc Thư Thánh Phaolô, ngài thấy ở trong Giáo Hội có nhiều ơn gọi lắm. Nhưng mà xem chừng là ngài không thấy ngài ở trong đấy..."
Ở 26 tuổi Tê-rê-xa đã hoàn thành sứ mệnh một đời người. Sắp bước vào "tứ thập tri bất toại", tôi vẫn chưa biết ơn gọi của tôi là gì. Thật như lời Thánh Augustinô, "Muộn thay tôi đã yêu Người, hỡi nhan sắc lâu đời! Hỡi nhan sắc mới lạ! Muộn thay tôi đã yêu Người."

Cũng Chúa Chúa Nhật vừa rồi, Mẹ Giáo Hội đã tuyên phong 7 vị tử vì đạo vào hàng ngũ hiển thánh, trong đó có nữ tu Kateri Tekakwitha. Kateri đã nên thánh sau 24 năm trần đời.

Mỗi người bạn hữu của Chúa Giêsu đều mang lấy sứ mệnh truyền tin, mà cách tốt nhất để thi hành sứ mệnh ấy là bằng chính cuộc đời mình. Khó lắm thay, trong một xã hội giàu lòng tự hào. Khó còn hơn con lạc đà chui qua lỗ đít kim. Nhớ hôm nào có đọc qua tin, 99% tín đồ Chúa dùng phương pháp ngừa thai trái luật. Không biết bao nhiêu phần trăm tín đồ nghĩ việc phá thai là bình thường. Lại còn bao nhiêu cặp vợ chồng Công Giáo dẫn nhau ra toà ly dị, ly thân. Bảo sao Chúa không buồn đổ mồ hôi máu cho được.

Tôi sợ.

Trong một thế giới như thế này, tôi cần lắm thay, những người bạn như thế kia để giúp tôi có can đảm vững tin mà vác lấy sứ mạng Chúa đã dành riêng cho tôi. Thánh Nữ Tê-rê-xa, xin cầu cho chúng tôi. Thánh Nữ Kateri, xin cầu cho chúng tôi.

---

Cuối tuần vừa qua, Cô Chú lên thăm tôi. Trong lúc "hàn huyên" về tính ghen, tôi nhớ có chia sẻ với Chú đại thể như thế này: "Ghen chưa hẳn là tội. Nhưng con người chỉ nên ghen như Chúa ghen. Tức là, ta ghen khi người mình yêu có những cử chỉ đối với người khác, mà lẽ ra những cử chỉ ấy chỉ có thể dành riêng cho mình."

Khi Cô Chú đã ra về, tôi giật mình khi chợt nhớ rằng, những lời này của tôi đã kết tội tôi. Không biết cha tôi có ghen với chú tôi không, vì cử chỉ của tôi đối với chú, cũng giống như đối với cha.

---

Có lẽ bước đầu của ý thức về ơn gọi, là sự nhận thức rằng, những lời Chúa mắng trong Thánh Kinh ấy, là những lời dành cho tôi. Hồn tôi ơi! Chúa mắng để cho tôi làm tốt hơn, chứ không mắng để tôi chai lì.
Chia Sẻ:

Thà ném nó xuống biển còn hơn

Sáng nay trên đường đạp xe đi làm, nghe được bài giảng thật hay của Cha Lê Quang Uy.

Mấy hôm trước, đọc được bài viết của Đức Cha Charles Chaput phản đối án tử hình.

Chúa Nhật vừa rồi, nghe Chúa Giêsu bảo:

Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (Mc 9:41)

Đem kẻ làm cớ vướng vấp ấy ném xuống biển để tránh có thêm nhiều người khác bị hại; đó là công lý. Nhưng người bị ném xuống biển chưa chắc sẽ bị chết; đó là lòng thương xót của Chúa.   Phải chăng đây là lý do Cha Charles phản đối án tử hình?

Chia Sẻ:

Tình thân

Cuối tuần này tôi lại làm một chuyến hai ngày hai đêm xuống Saint Thomas mừng sinh nhật người chú, vừa về lại Toronto hồi chiều. Chuyến đi này tạo ngẫu hứng để tôi đêm nay ngồi suy ngẫm về hai chữ “tình thân”.

Trưa Thứ Sáu, đọc được thư hồi âm của phụ thân gửi cho cô tôi bên Việt Nam:


TB : Tiền của Hải  giúp Chú Chín nó, chắc Hải cũng không cần hoàn lại đâu! Lương hằng tháng 4 - 5 - 6 chục ngàn, nuôi vợ, nuôi con, cũng không biết có dư để hoàn lại khoản đã mượn ngân hàng hết hay chưa cũng không rõ ! Nhưng đã mượn nợ thì ắt phải biết thu xếp để lo bồi hoàn cho rãnh nợ sớm! Nếu cần,  anh cũng có thể phụ cho nó 5 - 3 ngàn.

Tôi đọc xong, định hồi âm ngay rằng, “nợ cũ chưa thanh toán xong, lại đã mượn nợ mới để giúp người khác mở nhà hàng rồi”; nhưng tôi bỏ đi ý định hồi âm khi đọc phần thư của cô tôi, vì có vẻ như Tứ Thúc tôi đang cần giúp.

Tuần trước, thằng em út của tôi có chuyện nhỏ cần nhờ. Nó sắp sửa vác vào mình một cây thập giá khá nặng. Hai anh em ngồi nói chuyện một hồi lâu. Tôi đồng ý giúp nó chuyện nó muốn nhờ, lại còn muốn giúp nó về chuyện nó không muốn nhờ, nhưng e những gì tôi nói đã không đủ hiệu quả.

Trưa Chúa Nhật, ngồi vừa ăn cơm, vừa tâm sự với cô chú ở St. Thomas về sự độ lượng (tên của chú trùng hợp với tên cô tôi bên VN).  Tôi liên tưởng đến vài đoạn Kinh Thánh…

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người chịu hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu của mình. [Gioan 15:13]

Rồi thì các cô trinh nữ dại nói với các cô trinh nữ khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! " Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị hãy ra hàng quán mà mua lấy thì hơn." Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. [Mát-thi-ơ 25:8-10]

”Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu.” [Mt 10:16]

“Khôn như rắn” để thận trọng đề phòng cạm bẫy, và “đơn sơ như bồ câu” để không độc hại người, theo lời bình của linh mục George Leo Haydock. Nhắc đến con rắn không độc, tôi lại liên tưởng đến các bài đọc hôm Thứ Sáu vừa rồi nhân dịp Lễ Suy Tôn Thánh Giá (Exaltation of the Holy Cross).  Dường như Chúa muốn dạy tôi: không những chỉ là rắn không độc thôi, mà còn phải là rắn cứu người.

Suy tới đấy thì đã đi đến tận khả năng của một người phàm ngu dại như tôi, bởi dĩ nhiên tôi không muốn thay vì noi gương con rắn cứu người trên đồi Golgotha, thì tôi lại biến thành con rắn hại người trong vườn địa đàng năm xưa. 

Vậy thì từ đây, cuộc suy ngẫm tiếp tục trong thầm lặng, với sự phó thác vào nguồn ân sũng của Thánh Linh.  Vì nếu không có Ngài, thì tôi chẳng làm được gì [Gioan 15:5].

Chia Sẻ:

Giao tiếp: Trò chơi “lấy lòng”

Tối hôm qua, sau giờ làm việc, tính hiếu kỳ đã khiến tôi vọt sang Etobicoke để tham dự tiệc BBQ Ford Fest của bác thị trưởng Toronto, Rob Ford, tại tư gia của thân mẫu ông. Đây là một chiêu thức giao tiếp rất hay để tạo thân thiện (và lấy lòng) đối với cử tri.  Không hiểu sao từ trước tới giờ chưa có vị thị trưởng nào dám làm.

Mấy tuần trước, xe đạp tôi bị hư ruột, nên chiều Thứ Sáu sau giờ làm việc, tôi cuốc bộ sang tiệm Liberty Street Cyclery để mua ruột mới (giá $5CAD). Kẹt nỗi trong túi không có đồng xu nào, mà cả hai thẻ ngân hàng (thẻ công ty và thẻ cá nhân) đều bị máy thu tiền từ chối, nên tôi bèn trả hộp ruột xe lại cho anh chủ tiệm với lời xin lỗi đã làm phiền, và hẹn ngày mai sẽ trở lại. Anh ta bèn bảo, “thôi anh cứ cầm nó về đi, để Thứ Hai có xe để đi. Khi nào có tiền thì đem trả cho tôi cũng được“. Tôi cảm ơn rối rít trước khi rời khỏi tiệm. Trên đường về, tôi nửa cảm kích lối cư xử của anh chủ tiệm đối với một khách hàng lần đầu tiên gặp mặt, nửa muốn chữi anh ta một câu, vì từ đây tôi sẽ phải trở thành khách thường xuyên của tiệm này.

Chia Sẻ:

Ôm em

Tối nay ngồi đè ôm em này:

Để moi ra cái này:

Nhận xét: Tôi chưa thật sự trưởng thành nếu tôi chưa gấp được cái bàn ủi đồ này.

Để ghi lại vật chứng, tôi buộc phải thử ôm em này một lần nữa với hy vọng cứu vớt em ra khỏi tai họa E:61.10:

Sáng Thứ Năm vừa rồi, trên đường đi làm, được em này ôm mê mệt ngay tại gần cổng Dufferin của khuôn viên CNE:

Kết quả: May nhờ đầu có đội mũ bảo hiểm nên vai chỉ bị mất miếng da.

Chia Sẻ:

Đậu xe

Mấy tháng nay đạp xe đi làm, toàn là cõng xe lên tới tận chỗ ngồi và dựng bên cạnh bàn làm việc. Tuần này bị quản lý “đề nghị” đậu xe ở ngoài bãi đậu xe ô-tô. Hình thức khóa xe của tôi dưới đây có thể là bằng chứng của một phản ứng điên:

Chia Sẻ:

Dị ứng mùa thu 2012

Cuối tuần vừa qua, tôi bị một trận dị ứng nặng: hắt-xì, chảy nước mũi, ngứa mặt, ngứa mắt. Tới hôm nay vẫn còn. Hôm qua lục soát trên mạng. Thì ra mấy ngày nay có cỏ phấn hương (ragweed) đang hoành hành tại Toronto.

Ghi xuống đây để năm tới, độ chừng cuối tháng 8, nhớ mà chuẩn bị tinh thần.

Chia Sẻ:

Beelzebub vs Bánh Hằng Sống

Theo Wikipedia tiếng Việt, bảy tội chết người, còn gọi là Bảy Mối Tội Đầu, được liệt kê như sau:
  • Lucifer - kiêu ngạo
  • Mammon - hà tiện
  • Asmodeus – mê dâm dục
  • Satan - thù hận
  • Beelzebub - mê ăn uống
  • Leviathan - ghen ghét, đố kỵ
  • Baalphegor - lười biếng làm việc của Thiên Chúa
Cuối tuần này, đi dự tiệc sinh nhật cô con gái lớn của Chú Hồng, tôi bị Beelzebub bắt nạt, lần đầu tiên trong đời uống rượu đến mức độ phải mửa. Sáng sớm thức dậy, giải quyết cái bầu tâm sự xong, thầm cầu cho được tỉnh táo sau vài giờ ngủ thêm, để còn đi dự Thánh Lễ 11h00. Dĩ nhiên, Chúa không cho được toại nguyện. Tôi đánh luôn một giấc tới 12h45 mới tỉnh.
Khi tối về nhà, nghe Chúa khẽ bảo, “Thầy là bánh hằng sống. Ai đến với Thầy thì không hề phải đói; ai tin vào Thầy, sẽ chẳng khát bao giờ!” (Gioan 6:35). Mấy tuần nay, các bài đọc Tin Mừng ngày Chúa Nhật đã bắt đầu tập trung vào chương 6 của Sách Gioan. Toàn chương này là cả một ẩn dụ lớn về Bí Tích Thánh Thể.  Chúa đã báo trước. Cho nên, thật khốn cho tôi khi tôi đã chọn nửa chai vodka để rồi phải bỏ đi Bánh Hằng Sống.  Đây không những chỉ là tội mê ăn uống, mà còn pha lẫn chút kiêu ngạo, dẫn đến lười biếng việc phụng thờ Chúa. Cái khốn của bảy mối tội đầu là ở chỗ nó là căn nguyên sanh đẻ ra nhiều tội khác. Chết người thay!
Hình Beelzebub.
Chia Sẻ:

“Mỗi khi đến hè …”

Chiều hôm qua trong lòng buồn buồn. Chuyện xãy ra có gì đó hơi là lạ. Trời đỗ mưa trong lúc nắng chang chang. Ngồi một mình cầu nguyện để kiểm điểm lương tâm. Năm phút sau, trời ngừng mưa, bèn cuốn gói đi ra ngoài, sau khi dọn dẹp phần đồ đạc của mình cho gọn gàng để tiện người đi lại.
Chia Sẻ:

Về sự yếu hèn

Đảo một vòng đọc blog, thấy dư luận xôn xao vì có một cô gái Việt, 23 tuổi, chê đàn ông Việt yếu kém hơn đàn ông Tây. Thằng đàn ông Việt này không khỏi mỉm cười vì nghe quen quen. Dám chắc rằng nếu trực diện với cô gái này, tôi cũng bị chê là “vô duyên” y như vậy.

Nghĩ cũng thấy nhục chí cho đám hậu duệ của ngài Lạc Long Quân, ngài Trần Hưng Đạo, ngài Quang Trung nhỉ, khi các người chị em gái của họ lưu lạc nơi phương Tây này không những chuộng trai Tây hơn họ, mà còn chê họ là yếu … “sex”.

Ừ! Yếu thì yếu.

Nhưng an ủi thay, lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận rằng: đàn ông Việt Nam dù yếu, nhưng đã bao lần đánh bật quân xâm lược của nước Tầu mạnh bạo hơn mình gấp trăm, ngàn lần.

An ủi thay! Đằng sau người đàn ông yếu hèn này, có một người đàn bà tài giỏi, tự tin, kiên nhẫn. Và từ đó, biến sự yếu hèn thành quyết tâm vượt lên trên giới hạn của bản thân mình.

Và, an ủi thay! Thánh Phaolô có lần viết, “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.

Vậy, khi người đàn ông Công Giáo Việt Nam cảm thấy mình “yếu sex”, thì đấy là cơ hội để tìm hiểu thêm về bài Diễm Ca của Cựu Ước, về bí kíp Thần Học Thể Xác của Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, về cái gọi là “holy sex”, với hy vọng một ngày nào đó hiểu được rằng: tình dục là một bí tích mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người (“sex is a sacrament”).  Để khi được áp dụng đúng mục đích trong quan hệ vợ chồng, nó sẽ dẫn dắt đôi bạn tình đến với sự quan hệ mật thiết trong Chúa Ba Ngôi.

Chia Sẻ:

Pro choice?

Hôm qua, nghe được chương trình phát thanh hằng tuần, The Sunday Edition, của đài CBC, về hiện trạng phá thai tại PEI (bắt đầu từ phút thứ 18:30 của chương trình). Tỉnh bang Prince Edward Island (PEI) của Canada đã có đạo luật cấm phá thai kể từ năm 1988. Tín đồ Thiên Chúa giáo như tôi nghe mà thán phục: chí ít trên phương diện chống phá thai, PEI đã đẹp lòng Chúa. Thế nhưng Trời ơi, theo lời của hai vị nữ khách được phỏng vấn, nhiều phụ nữ đã hoặc là tìm đến những nơi bên ngoài tỉnh bang để phá thai, hoặc là dùng đến những biện pháp liều mạng để kết liễu cuộc đời của đứa con đang trưởng thành trong bụng mình.
Tối nay đọc được bài viết của Đức Cha Richard Smith, chủ chiên của Tổng Giáo Phận Edmonton (Alberta). Ngài viết:
Hành động của đức tin không chỉ là công nhận rằng Thiên Chúa là người ngồi ở vị trí tài xế, nhưng cần thực sự để cho Ngài lèo lái [cuộc đời của chúng ta].  Những nơi Thiên Chúa dẫn ta đến có thể không phù hợp với những gì tâm trí ta hằng mong đợi. Khi hướng đi trở nên rõ ràng, sự cám dỗ dễ khiến ta toan giựt lấy vô-lăng từ trong tay Chúa. Nhưng, phản ứng của một người môn đệ của Chúa Kitô luôn luôn là: điều chỉnh kế hoạch của chúng ta sao cho phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Sự đòi hỏi “hãy chết đối với bản thân và sống cho Thiên Chúa” này đáng lẽ không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Vì đấy là mô hình đã in sâu vào cuộc đời chúng ta từ lúc chúng ta nhận lãnh Bí tích Rửa tội.
Sáng nay như mọi ngày, nghe đọc Kinh Sách (Office of Readings) trong Giờ Kinh Phụng Vụ trên đường đạp xe đi làm, chứng kiến cảnh tiên tri Eli-a hành huyết bốn trăm năm mươi sứ giả của giả thần Ba-al tại núi Ki-sôn (Sách Các Vua, quyển 1, chương 18).
Các sứ giả của tà thần Ba-al ngày nay là ngành công nghệ phá thai. Vì nó đã và đang khiến bao nhiêu người phụ nữ phải sa ngã.
Xem clip giới thiệu của đoạn phim tài liệu, Blood Money:

Mỗi người chúng ta đều có quyền tự do chọn lựa. Nhưng liệu chúng ta có sẵn lòng để sống đời đời trong sự chọn lựa ấy hay không?
Chia Sẻ:

Chân tình St. Thomas

Hôm Thứ Bảy cuối tuần Lễ Quốc Khánh Canada vừa qua, tôi lên bãi tắm của Port Stanley chơi. Tối hôm ấy tìm phòng để nghỉ trọ ở đấy mà không còn, nên đã chạy lên St. Thomas (cách 20 phút lái xe về hướng bắc), dự định ngủ lại đây qua đêm để sáng hôm sau đi dự Thánh Lễ xong thì trực chỉ về Niagara Falls chơi tiếp.

Thành phố St. Thomas có vỏn vẹn chỉ hai nhà thờ Công Giáo. Một là nhà thờ Thiên Sứ (Holy Angels) và hai là của giáo xứ Thánh Anna. Thiên Sứ ở gần chỗ trọ hơn nên tôi dự tính sẽ đến đó dự Thánh Lễ.

Định bụng sáng dậy sớm đi lễ 9h00, nhưng rồi thì đã dậy trễ, đành phải đi lễ 11h00. Duyên cớ sao, nhờ dậy trễ mà quen được hai gia đình người Việt hết sức hiếu khách, cũng đi lễ 11 giờ: gia đình cô chú Hồng và gia đình anh chị Châu-Trâm. Thế là đã có “thổ địa” dẫn đi chơi. Chú Hồng là người gốc Qui Nhơn, nhưng lớn lên ở Vũng Tàu, là dân đánh cá, rất giỏi câu cá.

Bị quyến rũ bởi lòng hiếu khách của họ, và nhất là của cô chú Hồng, nên cuối tuần vừa rồi tôi lại trở lại St. Thomas.

Tối Thứ Sáu hai chú cháu ngồi nhăm nhi chai rượu chát và vài chai Ricard’s Red, tới 5h00 sáng. Chú Hồng kể chuyện thời thơ ấu, chuyện vượt biên, chuyện “vạn sự khởi đầu nan” của thời mới đặt chân sang Canada, chuyện chú cưới cô với một tiệc cưới đạm bạc, chuyện chú ôm dỗ con trẻ đang khóc mà bản thân cũng trào nước mắt khi không đủ tiền mua sữa cho con uống. Chú kể nhiều, còn tôi thì ngồi nghe nhiều. Tôi ghi nhận từ nơi chú một sự dứt khoát, trọng chữ “tín”, bản tính có được ngay từ hồi chú còn bé.

Tối Thứ Bảy, ghé qua nhà anh Châu và chị Trâm để uống vài chai, khá ái náy (và anh chị có chút ý trách hờn rất phải) vì không nán lại được lâu.  Đành hẹn dịp sau vậy.

Sáng Chúa Nhật lại đi Lễ 11h00, nghe cha xứ nhắc đến Lễ Giỗ Thánh Tôma Tông Đồ (Thứ Ba tuần trước) và nhắc nhở mọi người sống theo Đức Mến (Charity). Tôi lập tức nhận ra, tại thành phố Thánh Tôma này, tôi đã được chứng kiến hai tấm gương của Đức Mến từ hai gia đình Kitô hữu người Việt. Quí vị ấy đã không do dự chia sẻ ơn phúc của quí vị cho những kẻ xa lạ. Xin Chúa bồi đắp niềm ơn phúc tràn đầy thêm cho quí vị.

Chia Sẻ:

Nóng bỏng

Sau hơn 1 tuần đạp xe đạp đi làm, sáng hôm nay đến công ty, lần đầu tiên sau khi tắm xong ra, bắt đầu vào làm việc mà vẫn còn toát mồ hôi.

Có thể do cái này:

Chắc chắn là không phải do cái này:

Chia Sẻ:

Trở nên Thiên Chúa

Chuẩn bị cho Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, hôm nay đi đường nghe được bài giảng giáo lý táo bạo của Thánh Basiliô Cả (~329-379 AD), trong Giờ Kinh Phụng Vụ (Office of Readings). Tôi mạn dịch lại dưới đây.
---

Các danh hiệu được gợi lên về Chúa Thánh Thần chắc chắn phải khuấy động tâm hồn của bất cứ ai nghe được chúng, và làm cho anh ta nhận ra rằng chúng không nói gì ít hơn là đang nhắc đến Đấng Tối Cao. Không phải là Ngài được gọi là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí sự thật, Đấng từ Chúa Cha, Thánh Thần kiên định, Thánh Thần hướng dẫn đấy sao? Tuy nhiên, danh hiệu chính của Ngài và là danh hiệu cá nhân nhất, đó là Chúa Thánh Thần.

Mọi sinh vật hướng đến Chúa Thánh Thần trong nhu cầu nên thánh của riêng họ;  Tất cả các vật sống tìm kiếm Ngài theo từng khả năng của họ. Hơi thở của Ngài ban quyền cho từng tạo vật để chúng đạt được kết quả tự nhiên của nó.

Thánh Thần là nguồn của sự thánh thiện, một ánh sáng tâm linh, và Ngài cung cấp ánh sáng riêng của mình cho mọi tâm trí để giúp họ trong việc tìm kiếm sự thật. Bản chất của Thánh Thần vượt ra ngoài tầm với của tâm trí chúng ta, nhưng chúng ta có thể biết Ngài qua sự tốt lành của Ngài. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần lấp đầy toàn bộ vũ trụ, nhưng Ngài chỉ ban mình cho những ai xứng đáng, hành động trong từng người tùy theo giới hạn đức tin của họ.

Trong bản thân giản dị của chính mình, Chúa Thánh Thần là đa dạng trong các tác phẩm hùng mạnh của Ngài. Ngài hiện diện một cách trọn vẹn cho mỗi cá nhân chúng ta, đồng thời toàn bộ con người của Ngài cũng có mặt ở khắp mọi nơi. Mặc dù được chia sẻ bởi nhiều người, Ngài vẫn không thay đổi, tự cho mình mà không bị hao tổn cho chính mình. Giống như ánh sáng mặt trời, lan tỏa đến mọi nơi trong không gian, lan rộng trên mặt đất và trên biển cả, mà cùng lúc lại được tận hưởng bởi mỗi người như thể nó chỉ dành riêng cho một mình anh ta. Do đó, Chúa Thánh Thần đổ tràn ân sủng của Ngài, đủ cho tất cả, nhưng lại hiện hữu như thể dành riêng cho những ai có thể tiếp nhận Ngài. Đối với mọi sinh vật cùng chia sẻ trong Ngài, Ngài ban cho sự thỏa thích chỉ giới hạn do bản chất của từng cá nhân, mà không phải do khả năng ban tặng của Ngài.

Thánh Thần nâng tâm hồn chúng ta lên thiên đàng, dìu dắt kẻ yếu đuối, và dẫn đưa đến sự hoàn thiện những ai dốc tâm cầu tiến. Ngài soi sáng cho những ai đã được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi, và làm cho họ trưởng thành trong tâm linh qua sự hiệp thông với chính Ngài.

Như những thực thể trong suốt, trở nên rực rỡ khi ánh sáng mặt trời rơi lên chúng thế nào, thì cũng như vậy cho mỗi linh hồn được Chúa Thánh Thần ngự đến, và khi linh hồn ấy được Thánh Thần soi sáng,  tâm linh họ trưởng thành, và họ trở nên nguồn ơn phúc cho người khác.

Từ Thánh Thần xãy đến sự tiên tri, sự hiểu biết về các nhiệm tích tín ngưỡng, thấu hiểu ý nghĩa tiềm ẩn của Kinh Thánh, và các đặc ân khác. Thông qua Thánh Thần chúng ta trở thành công dân của Nước Trời, chúng ta nhập vào niềm hạnh phúc vĩnh cửu, và chúng ta ở trong Thiên Chúa. Thông qua Chúa Thánh Thần, chúng ta được giống Thiên Chúa; Thực sự, chúng ta đạt được những gì vượt trên mọi khát vọng tuyệt vời nhất của chúng ta: chúng ta trở nên Thiên Chúa.

Chia Sẻ:

Khởi hành tháng đạp xe đạp 2012 sớm

Tháng Sáu ở thành phố Toronto là Tháng Đạp Xe Đạp (Bike Month).

Sau khi bỏ đạp xe đạp bốn năm, hôm qua tôi đã bắt đầu lại, nhưng lại quên đem máy chụp hình để ghi lại hành trình.

Hôm nay thì có đem.

Hôm nay trời tuyệt đẹp.

09h20: Khởi hành…

09h29: Đến công viên High Park, tiến về hướng bờ hồ (đồng hồ trong máy bị chậm 1 giờ):

Thả dốc:

Thả dốc tiếp:

09h42: tịch tình tang, vừa đi vừa chụp cảnh, xuống đến đường xe đạp dọc bờ hồ mất khoảng 20 phút":

09h46: ngừng lại chụp cảnh …

09h50: cuối chặn đường dọc bờ hồ…

Từ đây đạp lên công ty mất khoảng 5 phút nữa. Vào dựng xe trong phòng làm việc. Xong thì chạy vào phòng tắm trong phòng tập thể dục, mở nước vòi sen xối vội cho trôi mồ hôi. Rồi thì bắt đầu một ngày làm việc. Tổng cộng tốn khoảng 40-45 phút. Nếu đi xe buýt thì mất khoảng 30 phút.

Chặn đường đi về, tại góc đường Lakeshore và Parkside, đọc được mảnh thông cáo này, ai đó đã dán vào cột đèn:

Mảnh giấy ghi:

On November 29, 2010, a woman cyclist was struck by an SUV while crossing at this intersection. She was struck because the driver of the SUV who hit her was not paying attention. She was taken to the hospital with severe life threatening injuries and almost died.  Although she spent months in a rehabilitation hospital and is still recovering, she did, fortunately survive.

We place ghost bikes at places where cyclists have been struck by cars and killed. I thought it would be nice to place flowers at a site where a cyclist was hit but lived. It is an acknowledgement and celebration of her survival.

Please cross carefully, even when you have the crossing signal, as drivers are not always as alert or as focused as they should be.

Chia Sẻ:

Trời mưa

Bạn mến,
Hôm nay trời mưa suốt buổi chiều. Mấy hôm tôi khoác áo mùa đông đi làm. Hôm nay thì khoác áo "đạp xích lô". Giờ này là 19h04. Mưa đã tạnh, để lại chút hơi lạnh.

Sáng nay nửa muốn đạp xe đi làm, nhưng cuối cùng thì "chết nhát". Đợi cuối tuần này chuẩn bị cho chu đáo hơn cái đã.

Nghe bài đọc trong Giờ Kinh Phụng Vụ, từ Sách Khải Huyền: Hội Thánh là Thành Giê-ru-sa-lem mới, là nơi trú ngụ của Chúa chốn trần gian. Gợi nhớ câu nói của Ngôi Lời: Nước Trời đang ở giữa Anh em.

Sent from my iPod
Chia Sẻ:

Khi Chúa Thánh Thần nói

Bạn thân mến,
Hôm nay đi đường tôi nghe tiếng nói của Thánh Thần (Cv 13,2). Ngài truyền cho các sứ đồ tách rời Phao-lô và Ba-na-ba ra khỏi nhóm, để họ bắt đầu công tác rao giảng cho dân ngoại.

Đêm hôm qua tôi nói chuyện gần tiếng đồng hồ với Ngũ Cô dấu yêu. Cô đang điều trị chứng suy thận, cách hai ngày phải đi chạy thận một lần. Qua giọng nói, tôi nhận ra tí mệt nhọc trong sự lạc quan đáng kính. Cô, một người theo lễ Phật, khoe về việc tập Thiền, ngồi một hồi cảm thấy được hào quang.

Tôi đang cố gắng để hấp thụ được Lời của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ chỉ cho tôi biết phải làm gì, nói gì.

Hẹn bạn thân kỳ sau.

--
Thanh Hai Tran
Sent from my iPod
Chia Sẻ:

Sức mạnh của Thiên Chúa

Bạn thân mến,
Hôm nay chúng ta nghe kể về sự hồi đạo của Thánh Phaolo. Lần nữa, sự kiện cho ta thấy một điều: sự tiếp xúc với Thiên Chúa sẽ biến đổi tất cả. Từ một nhóm người yếu hèn, khiếp sợ trước sự đàn áp, họ biến thành nhóm người kiên cường, sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Sự Thật. Và rất nhiều người trong nhóm họ đã đổ máu. Và họ chết thê thảm, nạn nhân của sự tàn bạo. Tôi nhớ có đọc về Nữ Thánh Perpetua trước người đao phủ vụng về, về Nữ Thánh Agatha trước một vị quan thống đốc ác độc. Điều đau lòng nhất là, sự bạo tàn ấy vẫn còn diễn ra trên con cái Chúa ngày nay. Đau lòng, nhưng chắc không lạ gì, phải không bạn? Vì người người tín hữu chúng ta xác tín trong hành động, rằng chúng ta dùng gương hy sinh để cảm hoá chính những người sát hại chúng ta, và dẫn đưa họ về với Chúa. Cũng như lời của vị sĩ quan La Mã năm nào: Tôi tin; xin Thầy hãy cứu lấy những người thân tôi kém tin. Vì chúng ta đều là con một nhà.

Hẹn bạn vào một chuyến xe khác.

--
Thanh Hai Tran
Sent from my iPod
Chia Sẻ:

Về trễ

Quái thân mến,
Bây giờ là 20h16 tối. Tôi đang ngồi xe buýt trên đường về. Lâu rồi mới đi làm về trễ như hôm nay.
Nhờ Quái nhắn lời dùm với hai nhóc và Mẹ nó, rằng Ba nó yêu ba đứa lắm lắm.

--
Thanh Hai Tran
Sent from my iPod
Chia Sẻ:

"Ta là bánh trường sinh"

Bạn Quái thân mến,
Sáng nay trời Toronto vừa đón nhận một cơn mưa tuyết, đang giữa mùa Xuân.
Nghe đọc Kinh Thánh, thấy cảnh Thánh Stephanô bị ném đá đến chết, trước sự chứng kiến (và đồng tình) của Thánh Phaolô (trước khi ngài hồi đạo).
Trước khi nhắm mắt Stephano đã không quên thốt lên, "xin Chúa đừng chấp tội họ".
Chứng nhân của tình yêu là thế đó.
Làm tôi nhớ lời giảng của một vị cha người Việt Nam bên Hoa Kỳ: Không một vị thánh tử đạo nào trong Giáo Hội đã từng nói, "anh chị em hãy trả thù cho tôi", mà có thể được Giáo Hội tuyên thánh.
Thù hận là kẻ thù của Tình Yêu. Và một khi ta đã ăn Tình Yêu vào trong mình, đó là Bánh Trường Sinh, thì ta không thể nuôi lòng thù hận, lòng căm hờn. Bằng không, sự mâu thuẫn, đến một ngày nào đó, sẽ hủy hoại những gì ta vốn là (cả hồn lẫn xác).
--
Thanh Hai Tran
Sent from my iPod
Chia Sẻ:

Nghĩ về Tháng Tư Đen

Bạn mến,
Tôi đang đứng đợi xe buýt để đi làm, viết vội cho bạn sau khi nghe các bài đọc Thánh Kinh hôm nay.
Hãy thận trọng trong những gì mình làm đối với kẻ đối nghịch mình. Bởi nếu nó thuộc về ma quỉ, thì nó sẽ sớm tự tận diệt. Còn nếu do ý Chúa mà họ làm, thì nếu ta tiêu diệt họ, ta dễ Đắc tội với Thiên Chúa. Sự dữ không đến từ Chúa. Nhưng hãy suy ngẫm, xem Thiên Chúa muốn tương kế tựu kế, dùng sự dữ để dạy cho ta điều chi. Hãy khôn ngoan như rắn mà lẫn tránh cơn cám dỗ, kẻo ta để sự dữ biến ta thành kẻ làm dữ, qua cách phản ứng của chính mình.
Đi hai chặn xe. Viết đến đây thì xe đã sắp đến chỗ làm. Hẹn bạn lần sau.
--
Thanh Hai Tran
Sent from my iPod
Chia Sẻ:

Bất chấp những điều không thể làm

Vừa đọc bức thư mở của bác Larry Page viết cho giới đầu tư. Thích nhiều đoạn, trong đó có đoạn này:

Khi tôi còn là một sinh viên tại Đại học Michigan, tôi đã theo học một khóa hè về cách lãnh đạo. Khẩu hiệu [của khóa học] là "một sự bất chấp lành mạnh cho những điều không thể (a healthy disregard for the impossible)," và nó là một ý tưởng đã đọng lại với tôi từ bấy giờ. Nói ra nghe có lẽ như một sự điên rồ, nhưng tôi thấy rằng, ta dễ dàng để làm nên sự tiến bộ trên các mục tiêu tham vọng lớn, hơn là trên các dự án ít rủi ro. Rất ít người đủ độ điên để thử, và những người giỏi nhất luôn luôn muốn làm việc với những thách thức lớn nhất. Chúng tôi cũng đã phát hiện ra rằng, những "thất bại" của dự án nhiều tham vọng thường mang lại lợi ích khác. Tin hay không, đổi mới công nghệ đằng sau AdSense, trong đó, như tôi đã đề cập trước đó, đã chi trả hơn $30 tỷ cho các nhà đối tác, là kết quả của một dự án "thất bại" nhiều tham vọng, cốt để hiểu được Mạng Lưới Điện Toán Toàn Cầu. Nhóm nghiên cứu không thành công ở sự hiểu biết các trang web, chủ yếu là, tôi nghĩ rằng, bởi vì họ bị phân tâm bởi công việc trước mắt họ, đó là: đạt mức xác đáng phi thường cho các mẫu quảng cáo.

Chia Sẻ:

Thứ Sáu Cực Thánh

Theo Kinh Cựu Ước, Ông Trời dựng nên Thế Gian trong sáu ngày. Vào ngày Thứ Sáu, Ông Trời tạo nên con người, giống hình ảnh của Người. Người thổi Thần Khí vào con người, ban cho con người sự sống, ban cho lý trí, ban quyền tự do, ban quyền cai quản mọi tạo vật.

Và loài người đã lạm dụng sự tự do Trời ban, và đã sa ngã. Và hậu quả là, Sự Ác, đau khổ, chết chóc, đã xâm nhập vào thế gian.

Và loài người ngày càng sa lầy trong Sự Ác.

Ông Trời sai nhiều ngôn sứ, các bậc thánh nhân, đến dạy dỗ, dẫn họ về hưởng Ơn Phúc của Ngài. Nhưng loài người vẫn cứng lòng, bởi họ đã mù lòa, đang cực sướng trong sự tự hủy hoại chính bản thân mình, và khi nhìn thấy thân thể mình tàn phế, thay vì quay về suối nguồn ơn phúc ấy để được chữa lành, lại đâm ra thù ghét chính Đấng đã ban cho họ sự sống.

Và họ mù lòa đến độ, ngày chính Con Trời giáng thế để chỉ điểm cho họ qua cõi u mê, mà họ đã dùng cực hình dã man nhất để giết chết Ngài. Tạo vật đã làm nên việc kinh thiên, động địa, là đã giết chết Đấng Tạo Hóa, một sự kiện ngoài sức tưởng tượng của người phàm. Bởi thế nó đã là cơn vướng vấp lớn cho dân Do Thái. Và trong phút chốc ngắn ngủi ấy, quyền lực của Âm Phủ đã reo mừng trong chiến thắng. Họ đánh người chăn chiên, và con chiên sẽ ngơ ngác, tan tác.

Trong sự dã man cực kỳ ấy, tốt lành ở đâu mà gọi là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday)? Tốt lành ở đây: vì qua sự kiện lịch sử này, mọi sự huyền bí về Ông Trời đã được mặc khải cho loài người. Thiên Chúa đã dùng công cụ độc ác nhất của Tử Thần để làm nên một việc cực lành. Sự mặc khải ấy cho thấy: mọi sự khổ đau của con người đều có ý nghĩa, và sự chịu đựng vững bền không hề bị uổng phí.  Tôi không biết đêm nay, hơn 2000 về trước, Sa-tăng có thật sự đã vui mừng trong chiến thắng, hay hắn đã bắt đầu kinh hãi trong lòng khi nghe được Lời Nói “mọi việc đã hoàn tất” hồi chiều, và lại nhớ thêm câu, “khi tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”

Đức Cha Charles Chaput còn lưu ý: “Không một người Kitô hữu nào từng sống đời sống Phúc Âm, mà dần dần không phải đối diện với Thập Giá”. Cầu mong rằng, người tín hữu như tôi biết gánh lấy Thập Giá mình như một sự phúc trong cái họa.

Chia Sẻ:

Chúa Nhật Lễ Lá: Vị Hoàng Đế đã trở lại

Và như thế, bắt đầu một tuần lễ linh thiêng nhất của cuộc đời người tín hữu, là đỉnh cao nhất của đời sống đức tin: Giờ của Chúa Thượng đã đến.

Ngài tiến về Đền Thánh Jerusalem từ hướng đông, như Ngôn Sứ đã tiên đoán (Ezekiel 43), và trong giây phút ngắn ngũi, kẻ tôi tớ này đã tôn vinh Chúa Thượng, ôi vị vua khiêm nhường. Ấy thế nhưng chỉ trong khoảnh khắc, tôi lại đem Chúa Thượng giết đi, chỉ vì tôi không thể tin được Ngài chính là Thiên Chúa (Gioan 10:33). Tôi giết Ngài như thể giết đi những gì toan gây cản trở cho lối sống sa đọa mà tôi đang đeo đuổi. Tôi giết Ngài như giết đi cơn mưa vào mùa, cơn mưa vốn sẽ giúp cho cây lúa thêm xanh tươi, nhưng lại là một sự trở ngại giao thông cho tôi nơi chốn thành đô.

Và như thế, Chúa Thượng đã khởi chiến với Quyền Lực của Sự Chết. Vũ khí của Ngài là Thập Giá. Chiến bào của ngài là tình yêu. Ngài chiến đấu vì tôi, kẻ đã đóng đinh Ngài vào thập giá và đã nhấc Ngài lên khỏi mặt đất.

Chúa Thượng chịu gánh lấy hàm oan, gánh lấy khổ đau để cho tôi hiểu rằng, Ngài là một vị vua không xa lạ đối với sự khổ đau mà dân Ngài phải gánh chịu.  Qua sự khổ nạn, Ngài dạy tôi rằng, cách duy nhất để chiến thắng sự khổ đau là phải đối đầu, không phải tránh né.

Bởi nhiều lúc, chính vì toan tránh né cái khổ đau cho bản thân mình, mà tôi trở nên ích kỷ. Tôi bất kể việc làm hại đến người khác, cốt chỉ để được phần cho tôi. Đặt nặng cái tôi, tôi đã biến cái tôi thành cái tội.

Và Chúa đã chuộc tội cho tôi. Chỉ có Đấng không hề mắc tội, mới có thể chuộc tội cho tôi.

Và cũng như thể, Ngài sẽ xóa đi vết nhơ, đã tàn đọng trong tôi kể từ lần đầu tiên tổ tiên tôi đã sa ngã. Vì bởi sự đảo lộn luân thường đạo lý ấy mà Chúa Thượng đã giáng trần, để dạy tôi hai chữ “vâng lời”.

Xin Chúa Thượng luôn là Chúa của kẻ đầy tớ này. Và xin Thần Khí của Ngài luôn dạy tôi luôn biết vâng lời vị Cha Chí Thánh của chúng ta ở trên Trời. Và nếu tôi có vấp ngã, xin cho tôi biết noi gương khiêm hạ của Ngài mà chạy đến bên chân Chúa Thượng để được bào chữa, tiếp sức, để tiếp tục đứng lên đi theo đường thương khó mà Ngài đã đi qua.  Amen.

(Viết từ cảm hứng bởi bài giảng của Cha Robert Barron của mạng wordonfire.org).

Chia Sẻ:

Sụt Sịt

Đang ngồi phòng làm việc, mũi sụt sịt.  Lại muốn nhiễm cúm? Tôi đỗ tội cho cái thời tiết bất thường, ngày nóng, ngày lạnh này.

Chiều hôm qua đi làm về, gọi điện cho phụ thân để báo thư. Ông nhờ lên sửa dùm mạng wifi. Cảm nhận được sự khan hiếm trong dịp gần gũi với phụ thân tôi, cơm nước xong thì tôi xách xe tọt lên nhà ông, mặc dầu trong người đang lừ đừ. Về tới nhà thì đã hơn 11 giờ đêm.

Sáng nay trên đường đi làm, gặp hai vị kỵ mã Cảnh Sát Hoàng Gia đang đi dạo buổi sáng trên đường Dufferin gần khu hội chợ CNE.

Chia Sẻ:

Tĩnh Tâm Mùa Chay 2012 – Chủ Đề: Tha Thứ

Cha Giuse Nguyễn Thái, giáo phận Orange, giảng về chủ đề “Tha Thứ” trong dịp Tĩnh Tâm Mùa Chay:

Đâu là sự khác biệt giữa hai cái chết, một cái chết của người lính cộng sản và một cái chết của các thánh tử đạo Việt Nam? Đâu là sự khác biệt khi … cả hai cùng nằm xuống cho một lý tưởng? … Người lính cộng sản có thể chết đi vì họ bảo vệ cái lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của họ. Và thậm chí có người cộng sản đã nằm xuống để bảo vệ quê hương, chống lại quân xâm lược. Cũng vậy, khi một thánh nhân bị chết, thì họ cũng chết vì một lý tưởng, vì một niềm tin, mà họ muốn dùng mạng sống của mình để bảo vệ lý tưởng và niềm tin ấy. Nếu xét về phương diện trên, thì chúng ta có thể nói rằng, cái chết của cả hai đều có giá trị gần như nhau, cùng có một mục đích là chết vì lý tưởng mà mình theo đuổi. Thế nhưng, họ thật khác nhau, một trời một vực…Người cộng sản, trước khi họ nhắm mắt, họ sẽ nói với người đồng chí của họ đại ý như thế này: anh hãy cầm súng và trả thù cho tôi. Một vị thánh tử đạo khi nằm xuống, ngài sẽ nói với anh chị em mình đại khái như thế này: Xin anh chị hãy tha thứ cho người đã hãm hại tôi, vì tôi đã tha thứ cho họ.

Thánh nhân là người tha thứ cho kẻ hại mình, vô điều kiện. Họ hiểu rằng “tha thứ” hoàn thành sứ mạng làm người một cách hoàn hảo hơn và giá trị hơn, bởi vì các thánh tử đạo bước theo con đường của Chúa Giêsu.

Từ trên thập giá, khi những kẻ thù của ngài ở dưới đang còn giận dữ đưa những quả đấm lên, đang reo hò, trong hận thù, oán ghét, thì Chúa Giêsu đã thốt lên: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.
(phần 2, thì thời ~10:20)

Tại sao người ở hiền mà lại chẳng được gặp lành? Tại sao người thiện tâm lại mãi chịu khốn khổ trong khi kẻ ác nhân lại được sống ung dung tự tại ngoài vòng pháp luật? Phải chăng Tạo Hóa đang muốn dạy ta về hai chữ “thứ tha”?

Chia Sẻ:

Hoa Mai đầu Xuân

Chia Sẻ:

Tàn Đông, và Thánh Cả Giuse

Vậy là kết thúc một Mùa Đông ấm nhất trong “lịch sử loài người” (bắt chước giọng Cha Giuse Trần Tập) ở Canada. Ngày mai mới chính thức vào Mùa Xuân, nhưng hôm nay khi tôi tản bộ xuống hướng gần bờ hồ Ontario trên đường đi làm, thì đã thấy khí hậu mát mẻ dễ chịu.

Lão Đông Tà năm nay tâm trạng bất thường. Ở chỗ tôi, tôi nhớ chỉ đã phải đi dọn tuyết cao lắm là ba lần—tức là chỉ có ba trận tuyết. Trái lại, nghe nói bên Âu Châu có người bị chết cóng vì lạnh.

Và như mùa đông năm nay--lặng lẽ đến và lặng lẽ đi--hôm nay là ngày lễ kính Thánh Bổn Mạng của tôi, và là của cả Giáo Hội Hoàn Vũ: Thánh Cả Giu-se. Vị thánh ít được nhắc đến này, đối với tôi hiện giờ, là tấm gương thầm lặng của một người cha nhân từ, là cánh tay vững mạnh bao che cho Ấu Chúa suốt quảng thời gian lưu vong bên Ai Cập.

Chia Sẻ:

Tĩnh Tâm Mùa Chay 2012

Vừa vào xem tờ Sống Đạo của giáo xứ Toronto mới biết tuần này có Cha Đinh Minh Trí đến từ Cali để giảng phòng Tĩnh Tâm Mùa Chay:

Thứ Tư (14 tháng 3) đến Thứ Sáu (17 tháng 3):
7 giờ tối: Thánh Lễ – Tĩnh Tâm ngay sau Thánh Lễ.

Quả thật là cơ hội hiếm hoi và là điều ích lợi cho tâm hồn. Nhưng e rằng, cả nhà đang bị cơn cảm cúm mùa đông hoành hành nên chắc tôi đi dự không được.

Câu hỏi dành cho Thánh Phêrô năm nào chợt hiện về trong đầu tôi: “Con có yêu Thầy không?” …

Có phải Đền Thờ trong lòng tôi hãy còn ô uế lắm đi chăng?

Chia Sẻ:

Đức tin và thực hành

Chúa Nhật  thứ nhì Mùa Chay vừa rồi, Giáo Hội Mẹ nhắc lại một trong những bài học khủng khiếp nhất của đời người tín hữu: Chúa đã thử thách tổ phụ Abraham bằng cách sai ông sát tế con một của mình. Cha Anthony Đinh Minh Tiên có bài giảng khá sâu sắt. Cha Robert Barron bình luận: Nếu đọc qua đoạn Kinh Thánh này mà tâm thần tôi không bị nhiễu loạn, thì chắc tâm thần tôi có vấn đề.

Vâng, nhiễu loạn thì nhiễu loạn, nhưng tôi chỉ có duy nhất một thắc mắc: làm sao Abraham có thể khẳng định rằng đó là lệnh truyền của Chúa. Và sau Thánh Lễ sáng hôm qua, tôi được câu trả lời: vì ông đã từng nghe tiếng Chúa hằng mỗi ngày.

Để tránh ngộ nhận đâu là ý Cha, tôi cần tâm sự với Cha mỗi ngày.

Làm theo ý Cha sẽ tạo lợi ích cho chính bản thân tôi và những người tôi yêu thương.

Thử thách của Abraham hãy còn đang tiếp diễn trên mỗi cá nhân người tín hữu trong hôm nay. Chén đắng ấy có đắng ít hay nhiều thì hãy tùy vào hoàn cảnh. Và cái nghiệt ngã của sự tự do ý chí là, khi nó xảy đến, dường như tôi chỉ có một cách lựa chọn duy nhất: uống trọn chén đắng như Thầy tôi đã từng làm vì tôi.
Chia Sẻ:

Tóm tắt ba ngày Lễ Gia Đình 2012

Chiều Thứ Bảy: đi dự tiệc Thôi Nôi của bé Ty.

Chiều Chúa Nhật: lên ăn chực nhà Tứ Đệ. Mẫu thân đã đi đến trước tôi.

Chiều Thứ Hai: mua một suất canh chua cá kho tộ đem lên nhà phụ thân, thắp nén nhang để tạ Chúa và tưởng nhớ Ông Bà xong thì ba thế hệ còn lại trên dương trần bày đồ ăn ra, “nhậu” lai rai.

Chia Sẻ:

Barack Obama v. Giáo Hội Công Giáo

Theo dõi chấn động mới trên chính trường Mỹ trong tuần vừa qua: chính phủ Obama ra sắc lệnh, buộc các cơ quan tôn giáo phải gánh chịu phí tổn cho nhu cầu ngừa thai và phá thai của nhân viên mình.

Hồng Y tân cử, Timothy Dolan của New York, bình luận trên chương trình phát thanh của đài EWTN:

Đậy là một sai lầm lớn. Chúng tôi không thể thỏa hiệp với một sai lầm ...
Chúng tôi không chỉ phục vụ, dạy dỗ, cung cấp miếng ăn, cho công chúng bởi vì họ là người công giáo; chúng tôi làm những việc đó bởi vì chúng tôi là người công giáo.

Đây có thể là sai lầm to tát nhất của một cuộc đời chính trị, hoặc nó là dấu hiệu của một cuộc đàn áp mới đối với Giáo Hội tại Hoa Kỳ.

Sẵn đây, ngẫm vài dòng về hai phe phái: “ủng hộ quyền lựa chọn” (pro choice) và “ủng hộ quyền sống” (pro life). Giới chính trị ở Hoa Kỳ thường thích đọ hai phe này với nhau, như thể chúng mặc nhiên đối lập nhau. Nếu tôi ủng hộ quyền sống thì có phải là tôi bác bỏ quyền lựa chọn không? Dựa trên học thuyết “tự do ý chí” (free will) của Thánh Âu Tinh thì câu đáp là một lời dõng dạc: Không! Ngược lại,  nếu tôi ủng hộ quyền lựa chọn thì có phải là tôi ủng hộ nó ngay cả khi sự lựa chọn đó là sai lầm? Nếu là “có”, vậy thì tôi có thật sự thương yêu người tôi ủng hộ, hay là tôi đang hành xử với thái độ “mi ngu, tự hại thân mình thì đáng đáng đời mi”?

Kèm theo làn sóng dư luận này là một lời rêu rao, rằng “98% phụ nữ Công Giáo dùng phương pháp ngừa thai ngược với giáo lý”. Kết luận này bị tờ Washington Post đặt nghi vấn qua bài báo “Have 98 percent of Catholic women used contraceptives? Not quite”. Bản thân tôi cũng có chút nghi vấn. Nếu con số 98% kia là chính xác, thì tại sao người phụ nữ Công Giáo lại đồng ý tham gia vào nghiên cứu này? Một cá nhân vướng vấp là một điều. Công bố sự vướng vấp ấy và gián tiếp khuyến khích người Công Giáo khác vướng vấp lại là một điều khác. Đây là tội mà Thánh Phaolô đã đề cập trong Tông Thư Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô (1Cor8) và Chúa Giêsu đã răn đe trong Sách Mát-thiêu (Mt 18).

Tại sao đạo Công Giáo cấm ngừa thai? Vì khá năng sinh sản là một Ơn Trời Cho, và mục đích của mọi Ơn Trời là để làm tốt cho con người. Với việc ngừa thai, con người nói lên rằng: “Tôi không cần Ơn đó”. Bằng một cách gián tiếp, tôi nói lên rằng, “Tôi khôn hơn Trời. Tôi hiểu điều gì tốt cho tôi hơn là Ông Trời hiểu”.

Dùng thuốc ngừa thai vì lý do sức khỏe thì sao? Có những phụ nữ bị hội chứng Buồng Trứng Đa Nan (polycystic ovary syndrone), có thể dẫn đến ung thư, và nhiều bác sĩ lương y điều trị bằng thuốc ngừa thai. Trong tình trạng này, người phụ nữ Công Giáo phải làm gì? Và, như Lời Chúa vừa gợi ý hôm qua (Mc 8:14-21): Hãy nhớ rằng, Đấng mà chúng ta đang tôn thờ là ai.

Chia Sẻ:

Tín ngưỡng và vô tín ngưỡng

Sáu giờ chiều. Người hắn ho xù xụ. Thằng cu tí đang ngồi bên cạnh, mệt trong người nên lừ đừ, nài xin: “Ba ơi, con muốn về nhà!” Vợ hắn ngồi kế bên, không mấy hài lòng. Còn hắn, hắn đang loay hoay toan cứu lại hệ thống mạng vừa tắt thở hồi trưa/chiều hôm qua. Thân chủ là người đã sẵn mang nợ bất định kỳ của hắn. Cho nên ca làm việc này xem như là bất vụ lợi.
Tại sao hắn làm vậy?
Christopher Hitchens đã có lần thách thức: “Hãy nêu lên một việc làm đạo đức mà một người có tín ngưỡng làm được, nhưng người vô tín ngưỡng lại không làm được.”
Đáng chê cười thay, nếu có việc làm đạo đức nào đó mà người vô tín ngưỡng làm được, nhưng người có tín ngưỡng lại không làm được.
Chia Sẻ:

Trở lại bình thường, và công cụ để lắng nghe

Hôm qua, tôi đã thu dọn và đóng thùng cây thông Giáng Sinh. Người ta dọn cây vào ngày đầu năm. Còn tôi, lẽ ra phải dọn trước Chúa Nhật tuần rồi để chuẩn bị bước vào mùa Thường Niên, sau một mùa Giáng Sinh không bình thường.  Cầu mong rằng, cái bình thường mới này sẽ khác với cái bình thường của trước kia. Vì bởi, cũng như cuộc hành trình của Ba Vị Vua trong Lễ Hiển Linh tuần trước, khi đã gặp gỡ được với Đức Chúa, họ đã về nhà bằng một con đường khác với đường họ đã đến.

Hôm nay Giáo Hội dạy tôi về sự lắng nghe và sự nhận dạng lời Chúa. Cha tân Hồng Y vừa được bổ nhiệm, Thomas Collins, hay dùng câu này để bắt đầu những bài suy niệm Lectio Divina: “Xin Ngài hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Cũng như Sa-mu-en, dù đã sống trong đền thờ ngay từ bé, đã không nhận ra Lời Chúa, và như ông An-rê, dù theo ông Gioan Tẩy Giả đã lâu, mà không nhận ra Chiên Thiên Chúa. Tôi cũng cần chú ý nhiều đến lời giảng dạy của các vị cha linh hướng, và của Đức Thánh Cha, để bước đi đúng đường mà Chúa đã  hoạch định cho tôi.

Chia Sẻ:

Mức công phá của 12V DC

 
Hồi chiều này tôi tiến hành bước đầu của tiểu dự án thay bộ đèn xe. Thay bóng xong, đang lọ mọ dùng mỏ-lết siết ốc cho miếng nhựa giằng bình ác-quy thì vô tình cây mỏ-lết chạm lên cọc âm và cọc dương.
Giờ thì tôi hiểu tại sao người ta phủ tấm vải ướt trên mặt bình. Hên là đã không bị cháy bình hay cháy máy. :-)
Chia Sẻ:

Bài giảng đầu năm

Bài giảng sâu sắc, như mọi lần, bởi TGM Charles Chaput của Philadelphia, nhân dịp Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lễ Cắt Bì cho Chúa Giêsu, Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Thế Giới,  và Trọng Lễ Thánh Mẫu Maria (Mẹ của Thiên Chúa, và Mẹ của Hội Thánh).

Thời gian là tặng phẩm của Thiên Chúa cho tôi; tận dụng thời gian, bằng cách hữu hiệu nhất, là tặng phẩm của tôi cho Thiên Chúa.

Từ Giờ Phụng Vụ ban tối, Tụng Ca 1: “Ôi sự biến đổi tuyệt vời! Tạo Hóa của loài người đã trở thành người, sinh bởi một trinh nữ. Chúng ta đã được biến thành người chia sẻ với bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô, Đấng đã tự hạ mình để chia sẻ bản tính con người của chúng ta.”

Sự  táo bạo của niềm tin Thiên Chúa Giáo là ở điểm này: Qua Đức Giêsu Kitô, tôi được phép gọi Ông Trời là Cha Mến Yêu.

Tôi chưa hẳn là đồ đệ của Đức Kitô khi tôi chưa thể hiện quyết tâm về hòa bình và công lý. Ngay cả trong lời nói, câu trước tôi hô hào cho sự chân thật và hòa giải, thì câu sau tôi lại dấy lên lòng hận thù và tính đố kỵ; việc làm của tôi nói lên sự dối trá, lọc lừa, dù chỉ trong việc nhỏ nhoi.

Nhìn lên Thánh Mẫu như gương cầu nguyện và gương tông đồ cho tôi. Đức Mẹ là vị tông đồ hoàn hảo nhất của Chúa Giêsu.
Chia Sẻ:

Chào 2012 trong thanh tịnh

Ngồi một mình dưới tầng hầm xem thiên hạ nhảy nhót dưới quảng trường Nathan Phillips. Lòng thoáng lên giây phút bình an khó tả, khi bài Auld Lang Syne được hát lên. Dám gọi là hạnh phúc chăng?
Giây phút ấy mờ đi, khi tôi lôi chai Brandy xuống lầu để tiếp tục xem dân Calgary đón năm mới.
Chia Sẻ:

Ý Kiến Bạn Đọc

Facebook

Nhãn

anh ngữ (1) ảo ba trì (10) apologia pro vita sua (3) ăn uống (2) bà nội (5) bạo lực (1) bảo quản xe ôtô (4) benedictxvi (3) bí tích thánh thể (8) canada (37) catholic (2) cầu nguyện (11) cbc (2) chết chóc (3) chính trị (6) chúa ba ngôi (24) chứng nhân giê-hô-va (3) CNE (2) covid-19 (10) cộng đồng (3) công giáo (134) công nghệ (6) cộng sản (2) công việc (24) cuba (1) cung tự phục hổ quyền (2) cuối tuần (6) dạy con (1) dị ứng (4) dịch thuật (1) du lịch (9) du lịch bằng xe (2) du ngoạn (9) dụ ngôn (1) đại hội giới trẻ (3) đạo (1) đêm tối tăm (5) đi công tác (3) độc cô cầu đạo (36) đời sống (5) english (4) francis-xavier nguyễn văn thuận (1) gãy xương (5) gia đình (79) giáng sinh (8) giáo lý (9) giao thông (5) giao tiếp (1) giới tính (4) gò công (6) grand bend (1) guelph (7) gương thánh nhân (10) hài hước (2) hành hương (1) hòa giải (1) hoa kỳ (5) hỏa ngục (3) hội hè (2) hội thánh (3) hồi tưởng (8) hôn nhân (7) humanae vitae (1) huntsville (2) hứa hẹn đầu năm (1) jpii (8) kế hoạch kungfu panda (1) khoa học (3) khổ đau (2) khủng bố (1) kinh doanh (5) kinh nguyện (3) kinh thánh (42) lectio divina (1) lễ tạ ơn (4) lễ tro (1) linh thao (1) linh tinh (4) lòng thương xót chúa (5) luật pháp (2) lumen fidei (1) máy vi tính (1) mầu nhiệm (1) memento mori (3) mê hồn trận (18) montreal (1) mùa chay (60) mùa đông (1) mùa hè (5) mùa vọng (3) mùa xuân (4) ngắm đàng ánh sáng (1) nghỉ xuân (1) ngôn ngữ (3) người việt khắp nơi (2) nhà cửa (4) nhật bản (3) nhật ký nghĩa vụ bồi thẩm đoàn (3) ontario (19) ottawa (2) phá thai (2) phật giáo (7) phép xã giao (1) phim (4) phục sinh (13) quê hương (2) rắn (2) rượu bia (3) Sauble Beach (1) sống đạo (3) st. thomas (canada) (13) summa theologica (1) suy ngẫm (57) sự sống (1) sức khoẻ (2) sức khỏe (10) tam nhật thánh (2) tâm lý (5) Tết (8) tháng tư đen (2) thành bại (1) thánh lễ (1) thánh mẫu (3) thần học thân xác (3) thể dục (1) thế giới (1) thị trường (1) thiên chúa giáo (27) thiên đàng (2) thiên nhiên (6) thiên tai (1) thiên văn (1) thời sự (41) thời tiết (20) thư giản (1) tin mừng (2) tình dục (3) tĩnh tâm (34) tình yêu (6) toronto (49) tổ tiên (6) tội (7) tôi là (24) tội tổ tông (7) tôn giáo (8) trầm tư (28) trung quốc (2) ttc (3) tuần hoàn (1) tuần thánh (5) vật lý (1) verbum domini (1) việt nam (14) viết trên iPod (21) vlog (4) võ học (2) vô thần (3) waterloo (3) wikileaks (2) xã hội (2) xe đạp (15) xưng tội (45) y học (2)

Bài Mới Nhất

Được Xem Nhiều Nhất

Người theo dõi

Lưu trữ Blog