Tác phẩm “Thiết Kế Tối Thượng” (The Grand Design) của bác Stephen Hawking hoàn toàn tiêu diệt quan niệm của tôi rằng một chuyên gia vật lý học sẽ dễ cảm ứng về Thượng Đế hơn một chuyên gia sinh vật học, cảm hứng đưa đến từ nhận thức về sự bao la vừa kinh hồn vừa tuyệt vời của vũ trụ. Chương trình Larry King Live vừa có cuộc thảo luận về tác phẩm này:
Trang Wikipedia trích lời của tác giả:
“Do những qui luật tự nhiên như Lực Hấp Thụ [và thuyết lượng tử], vũ trụ vốn có khả năng và sẽ tự tạo nên chính mình từ cõi hư vô (nothingness). Sáng tạo tự phát là lý do tại sao có thay vì không, tại sao vũ trụ tồn tại, vì sao con người chúng ta tồn tại. Không cần thiết phải dùng đến Thượng Đế để khởi xướng và kích động một vũ trụ.”
Trả lời câu hỏi “ông có tin sự tồn tại của Thượng Đế không?”, Stephen Hawking trả lời:
“Thượng Đế có thể có tồn tại, nhưng khoa học có thể giải thích cho vũ trụ mà không cần dùng đến Đấng Tạo Hóa”.
Dường như, cái họa của những người làm khoa học là họ buộc phải chối bỏ Đấng Tạo Hóa để phục vụ Đấng Tạo Hóa một cách hữu hiệu hơn.
Tôi nửa muốn đặt mua quyển The Grand Design để đọc cho biết. Nhưng ngẫm lại, tôi nên đọc Apologia Pro Vita Sua (Biện Hộ Lối Sống của Một Người [Công Giáo]), hoặc nghe đọc, thì tốt hơn. Đối với tôi ở thời điểm này (thời điểm mà khoảng thời gian còn lại không còn mấy dư thừa), dường như soi mói về những thứ tôi không thể thay đổi được (cội nguồn và cơ cấu của vũ trụ) là một việc làm vô bổ hơn là suy niệm về thứ mà tôi hãy còn khả năng cứu vãng được (linh hồn tôi).
Mỗi người trong nhân gian đều được mời gọi để trở nên thánh, tuy rằng không ai cũng ý thức được cơ hội dành riêng cho mình. Đây phải là mục tiêu tối thượng, hơn cả sự bình an và hạnh phúc của bản thân. Giả tỉ nếu tôi chưa cảm thấy bình an và hạnh phúc thì có thể tôi chưa sống đủ thánh thiện. Ngược lại, nếu một người cảm thấy họ đã đạt được bình an và hạnh phúc, thì chưa hẳn là họ đang được hưởng thánh ân (“living in a state of grace”). Một mặt, không gì đáng tiếc hơn khi tôi hoàn tất cuộc hành trình này với những câu than van bắt đầu bằng hai chữ “phải chi” (“what if”). Mặt khác, cũng vì hai chữ “phải chi” mà nhiều lúc tôi hành động bồng bột, nông nỗi. Cho nên, không thể phủ nhận Ơn Trời để làm nên mọi sự. Có thể, đây là phúc đức của kẻ ngu khờ tột cùng như tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét