Ngu dã man

Ở ngoài đời thì tôi ngu đã đành, nhưng nhiều lúc giật mình tỉnh giấc sau cơn mơ, tôi tự mắng mình sao mơ ngu tàn bạo.

Tôi đang lái xe trên đường lộ, mơ mộng sao đó mà tôi vượt đèn đỏ. Khi nhận ra thì đã qua đến bên kia ngã tư. May là lúc đó đường vắng tanh nên đã không gây sự cố gì. Và đây là đoạn ngu: sau khi nhận thức được mình vừa vượt đèn đỏ, tôi tấp lại bên kia đường chờ cảnh sát tới …bắt phạt.  Quả là không sai, vài phút sau, có một xe cảnh sát hú còi ùa tới, nhưng không phải để phạt giao thông, mà để xét xe tôi tìm … súng đạn.

Không hiểu nổi.

Có thể do mấy hôm nay đọc thấy ngài Thị Trưởng Torontolíu lo” về dự luật đăng ký súng trường, nên bị ám ảnh chăng.

Chia Sẻ:

Cuối tuần 26/09/2010

Chiều Thứ Bảy, rảo chân ra Bến Tàu, xem được cái này, cái này, và cái này:

Trưa Chúa Nhật, xuống bến xe lửa Union Station mua vé cho mẫu thân, sẵn tiện leo lên tháp CN (cách trạm Union 5’ đi bộ). Tôi đã dùng một quái chiêu, mà tôi không lấy làm tự hào mấy, để vào cửa miễn phí. ;-)

Chiều Chúa Nhật lên nhà Tam Đệ. Nhị Đệ tôi ghé nhà nó chơi, nên nó gọi rủ tôi lên uống bia. Tiện đây, tôi ghi nhận một điều là kể từ khi xãy ra sự cố của năm ngoái, Nhị Đệ tôi đã trở nên “khách sáo” đối với tôi. Tôi không biết nó nghĩ gì về tôi, hoặc nếu mẫu thân tôi có tạo ấn tượng gì. Nghĩ cũng không cần thiết làm cho rõ vấn đề làm chi. Phần tôi thì tôi nghĩ: phản ứng tự nhiên của con người là, nếu mình nghĩ người ta đang nói xấu về mình, thì mình sẽ có cảm giác phẫn uất. Cho nên, bản thân tôi cần lưu tâm hơn đến lời Đức Cố Hồng Y John Henry Newman trong tác phẩm Apologia Pro Vita Sua: Đừng cho rằng những lời lẽ ấy xúc phạm đến mình, dù cho chúng có vẻ không mấy gì tốt đẹp.

Chia Sẻ:

Giữ vững mục tiêu

Tác phẩm “Thiết Kế Tối Thượng” (The Grand Design) của bác Stephen Hawking hoàn toàn tiêu diệt quan niệm của tôi rằng một chuyên gia vật lý học sẽ dễ cảm ứng về Thượng Đế hơn một chuyên gia sinh vật học, cảm hứng đưa đến từ nhận thức về sự bao la vừa kinh hồn vừa tuyệt vời của vũ trụ. Chương trình Larry King Live vừa có cuộc thảo luận về tác phẩm này:

Trang Wikipedia trích lời của tác giả:

“Do những qui luật tự nhiên như Lực Hấp Thụ [và thuyết lượng tử], vũ trụ vốn có khả năng và sẽ tự tạo nên chính mình từ cõi hư vô (nothingness). Sáng tạo tự phát là lý do tại sao có thay vì không, tại sao vũ trụ tồn tại, vì sao con người chúng ta tồn tại. Không cần thiết phải dùng đến Thượng Đế để khởi xướng và kích động một vũ trụ.”

Trả lời câu hỏi “ông có tin sự tồn tại của Thượng Đế không?”, Stephen Hawking trả lời:

“Thượng Đế có thể có tồn tại, nhưng khoa học có thể giải thích cho vũ trụ mà không cần dùng đến Đấng Tạo Hóa”.

Dường như, cái họa của những người làm khoa học là họ buộc phải chối bỏ Đấng Tạo Hóa để phục vụ Đấng Tạo Hóa một cách hữu hiệu hơn.

Tôi nửa muốn đặt mua quyển The Grand Design để đọc cho biết. Nhưng ngẫm lại, tôi nên đọc Apologia Pro Vita Sua (Biện Hộ Lối Sống của Một Người [Công Giáo]), hoặc nghe đọc, thì tốt hơn. Đối với tôi ở thời điểm này (thời điểm mà khoảng thời gian còn lại không còn mấy dư thừa), dường như soi mói về những thứ tôi không thể thay đổi được (cội nguồn và cơ cấu của vũ trụ) là một việc làm vô bổ hơn là suy niệm về thứ mà tôi hãy còn khả năng cứu vãng được (linh hồn tôi).

Mỗi người trong nhân gian đều được mời gọi để trở nên thánh, tuy rằng không ai cũng ý thức được cơ hội dành riêng cho mình. Đây phải là mục tiêu tối thượng, hơn cả sự bình an và hạnh phúc của bản thân. Giả tỉ nếu tôi chưa cảm thấy bình an và hạnh phúc thì có thể tôi chưa sống đủ thánh thiện. Ngược lại, nếu một người cảm thấy họ đã đạt được bình an và hạnh phúc, thì chưa hẳn là họ đang được hưởng thánh ân (“living in a state of grace”). Một mặt, không gì đáng tiếc hơn khi tôi hoàn tất cuộc hành trình này với những câu than van bắt đầu bằng hai chữ “phải chi” (“what if”). Mặt khác, cũng vì hai chữ “phải chi” mà nhiều lúc tôi hành động bồng bột, nông nỗi. Cho nên, không thể phủ nhận Ơn Trời để làm nên mọi sự. Có thể, đây là phúc đức của kẻ ngu khờ tột cùng như tôi.

Chia Sẻ:

Kinh Cầu Đức Chúa Thánh Thần – Lm. Richard Rohr

Biết qua WindowstotheSoulBlog của Sr. Marie Paul Curley:

[Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là] Tặng phẩm thuần túy của Thiên Chúa,
Sự hiện diện bên trong,
Lời hứa của Chúa Cha,
Sinh lực của Chúa Giêsu,
Sự cam kết và đảm bảo,
Sự vinh danh muôn thuở,
Luật sư biện hộ,
Đấng thánh hóa nội tâm,
Sự nhắc nhở về Mầu Nhiệm,
Thiết bị định hướng,
Đấng hiểu biết mọi sự,
Chứng nhân kiên định,
Đấng khắc phục Thiếu Sót,
Nhận thức hằng có và mãi mãi,
Quan sát viên đầy thương xót,
Lõi từ,
La bàn tìm Chúa,
Sinh khí nội tâm,
ĐNA thần thánh,
Nơi mong ước chung,
Hiển vinh được ban tặng,
Tình yêu tiềm tàng của Thiên Chúa,
Nhận thức không chọn lựa,
Niềm hy vọng được ghi xương khắc cốt,
Sự khao khát trào dâng,
Lửa của sự sống và tình yêu,
Thần hòa giải,
Sự bất bạo lực của Thiên Chúa,
Dấu ấn của Sự Nhập Thể,
Hoa quả đầu mùa của mọi thứ,

Gió đổi thay,
Bồ câu hạ xuống,
Đám mây vô thức,
Hồng ân vô tạo,
Khoảng trống được lấp đầy,
Thiên nhãn,
Niềm mong đợi sâu thẳm của chúng con,
Tâm ân cần,
Vết Thương thiêng liêng,
Sự chữa lành cực thánh,
Đấng làm mềm lòng chúng con,
Thánh Ý Chúa,
Lòng thương xót vô bờ,
Sự khoan hồng của Tạo Hóa,
Chiến thắng sẵn có,
Nỗi Sầu Bi Đơn Độc,
Niềm hoan hỉ chung của chúng con,
Giọt lệ của Thiên Chúa,
Hạnh phúc của Thiên Chúa,
Sự đón nhận từ trong,
Hiệp ước vĩnh cửu,
Khế ước khắc ghi trong tim chúng con,
Tình nhân ghen tuông,
Thiên Chúa thèm muốn.

Đấng hằng cầu nguyện trong chúng con, qua chúng con, với chúng con, cho chúng con, và thay cho chúng con. Amen! Alleluia!
~ Richard Rohr, OFM

Có một điều tôi luôn nghi ngờ về tín đồ của các tôn giáo khác, và ngay cả những người không tôn giáo: nếu họ có trải nghiệm cái gì đó có tính cách linh thiêng, siêu việt (tôi không ngờ ở phần này), thì có thể “cái” mà họ đang trải nghiệm ấy chính là Chúa Thánh Thần. Nhưng, việc làm của Chúa Thánh Thần không gì ngoài mục đích là dẫn dắt họ đến với Hội Thánh của Chúa Giêsu—“extra ecclesiam nulla salus”. Hmm…

Chia Sẻ:

Như mùi thiếu niên

Chiêu “bích hổ du tường” này tôi dùng hồi chiều hôm nay để hù dọa mấy đứa trẻ con tại hội hè Taste of the Kingsway:

Chia Sẻ:

Giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va (bỗ sung)

Trước đây tôi đã từng báo cáo thất lạc 2 mẫu phản hồi mới nhất của bài Giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va.

Tối nay trong lúc sáp nhập danh sách các blog từ Bloglines vào Google Reader thì tình cờ thấy 2 bài phản hồi kia hiện lên (đa tạ bác Google đã lưu dùm).

Tôi đăng lại tại đây cho trọn…

Mar 30, 2010 3:29 AM by nospam@example.com (Thanh Thuy):

Thấy mấy anh comment dữ quá nên cũng muốn nói vài lời. Theo quan điểm của em, tôn giáo chính là niềm tin của mỗi người. Em cũng là một người từ trong Thiên Chúa giáo bước ra ngoài và hiện là tín đồ Giêhôva. Lúc còn ở trong Thiên Chúa Giáo, em chỉ biết đi lễ nhà thờ, bỏ lễ là có tội trọng, trong khi đó không ai cho em đọc kinh thánh cả. Quanh đi quẩn lại chỉ đọc kinh lạy cha, kinh lạy thánh Maria,... nói chung là những kinh mà từ bé đến lớn cứ lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của em. Nó làm em thuộc lòng nhưng không hiểu hết ý nghĩa của nó. Từ ngày em cầm trên tay cuốn kinh thánh, em thấy mọi thứ như được mở ra trước mắt. Em không muốn ép ai phải tin em, em cũng chẳng chê bai tôn giáo nào nhưng xin mấy anh đừng đêm tôn giáo ra bàn luận như vậy. Em thấy việc mình bàn luận hoặc chê bai lẫn nhau chỉ càng thể hiện tội lỗi hơn.
Em chỉ muốn nói rằng, nếu mình tin thì mình để trong lòng mình, bởi vì mỗi người sẽ có cách nhìn nhận vấn đề và suy nghĩ khác nhau.
Chúc mấy anh luôn vui khỏe.

Mar 30, 2010 11:31 AM by nospam@example.com (CDK):

Bạn Thanh Thuy (Thanh Thúy ?) mến,
Tôi sầu cho bạn chưa hiểu đạo thì đã vội bỏ đạo, không kém gì tôi sầu cho tôi tuy có chút hiểu biết về đạo mình nhưng không theo đạo được cho trọn.
Quan điểm "tôn giáo chính là niềm tin của mỗi người" của bạn--dường như hàm ý muốn nói "đạo nào cũng tốt"--là cái mà Đức Hồng Y Joseph Ratzinger từng gọi là "Nền Độc Tài của Chủ Thuyết Tương Đối".
Những cái mà bạn đã được dạy (siêng năng đọc kinh, xem dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa) là những món ăn cần kíp cho linh hồn--thậm chí chúng quan trọng hơn cả sự thấu hiểu Thánh Kinh. Nếu khi còn là phần tử của Giáo Hội, bạn không được đọc Kinh Thánh, thì có lẽ là do hoàn cảnh thiếu phương tiện, và cũng có thể là Chúa muốn thử thách đức tin và tính kiên nhẫn của bạn. Hiện giờ bạn đã lên được tới mạng lưới Internet, có dư thừa thông tin về đạo Công Giáo, thì "thiếu phương tiện" không còn tính thuyết phục nữa nhé.
Mong rằng một ngày nào đó, khi đã tìm hiểu đủ đầy, và nhờ sự linh hướng của Chúa Thánh Thần, bạn Thanh Thúy sẽ quay về với Giáo Hội, là Thân Thể và đồng thời là Hiền Thê của Chúa Cứu Thế, dù rằng con cái của Nàng lắm khi cũng xúc phạm nhiều lỗi lầm.

Chia Sẻ:

“nhân hòa” trong Kinh Thánh

Hôm qua ComputerBoy đã email cho tôi vài ý kiến dưới đây do gợi hứng từ bài Chúa Nhật hay Chủ Nhật, tôi đánh số các luận điểm của bạn để tiện hồi âm. Và tôi hồi âm trong sự gượng ghệu, bởi tôi tự biết mình vẫn chưa được am tường Kinh Thánh cho lắm.

Bạn viết:

0Không hiểu sao tôi gửi comment trên blog mà nó không hiện ra. Nên tôi gửi anh file text này đọc tạm vậy.
---
Hè, Wái khách đăng bài đúng ngay Chúa Nhựt luôn hen! ;)

Về việc chống hay không chống thì Boy tui nghĩ theo Phật, không có chấp! "Nhứt thiết vi tâm tạo", tức là mình nghĩ "chống" ắt nó là "chống", mà không nghĩ "chống" liền chẳng có gì chống đối cả.

Tôi không theo bất kỳ tôn giáo nào (vì với tôi, tu tại ở chính mình, tôn giáo cũng chỉ là môi trường, tạo điều kiện, tạo hình thức cho mình dễ tu thôi). Nhưng tôi có nghiên cứu cả kinh Phật lẫn kinh Thánh và đều thấy giá trị của những bộ kinh đó. Theo ý của tôi thì kinh Thánh hay ở chỗ gần gũi với đại chúng, khuyên những điều rất thiết thực trong cuộc sống (chứ không cao xa như kinh Phật). 1Nhưng hình như kinh Thánh vẫn còn quá đặt nặng vào "đức tin" mà thiếu đi phần "nhân hòa". Nếu anh Hải thực sự coi "Mẫu thân của ComputerBoy có thể là một người phi thường" thì tôi xin phép được góp ý một chút. Sở dĩ mẹ tôi được như vậy là vì mẹ không có tâm "phân biệt", 2không có cho cái gì là xấu (hoàn toàn) hay tốt (hoàn toàn) cả. Cái gì cũng vậy, chỉ cần mình tránh cái xấu của nó và chú trọng vào cái tốt của nó thì kết quả cũng sẽ tốt thôi. Dù là thằng ăn cướp, mà mình thấy và khuyến khích cái tâm tốt của nó, từ từ rồi nó cũng sẽ thành người tốt mà thôi. 3Còn dù là người hiền cách mấy (người chứ không phải thánh nhân như Chúa hay Phật nhé) mà mình cứ chọc ngoáy vào khuyết điểm của người ta (vì người phàm thì ai cũng có khuyết điểm) thì rồi người ta cũng phải tức giận lên mà chửi lại mình thôi. "Dù bạn có học bao nhiêu trường đại học đi chăng nữa, bạn cũng sẽ trở thành 'đồ mất dạy' -- khi bạn bị người ta chọc tức." (theo sách "Thất Nhân Tâm" -- những điều không nên làm)

Sở dĩ tôi nói nhiều như vậy là vì muốn anh Hải được hoàn thiện hơn trong suy nghĩ và tính cách. 4Nếu có thời gian, anh có thể đọc thêm giáo lý của Phật thì sẽ thấy nếu sống hài hòa, bao dung hơn, mình sẽ được thanh thản hơn rất nhiều. Xin lỗi là đã đụng tới đức tin của anh, nhưng tôi nghĩ anh là người hiểu biết nên sẽ có tầm nhìn rộng rãi nên sẽ thu được lợi ích qua lời của tôi (nếu với 1 người không thể tiếp thu thì tôi không phải mất công như vậy).

Cụ thể hơn, tôi xin mạo muội phân tích một đặc điểm của kinh Thánh. Với vốn kiến thức ít ỏi của mình, tôi không tránh được sai sót, mong anh không giận mà thẳn thắn góp ý nhé. Đó là sự hiếm hoi lời khuyên về "nhân hòa" trong kinh Thánh (Vì hiếm nên quý, mong anh đóng góp để tìm ra những hạt ngọc đó, để đừng bỏ quên nó trong những trang giấy): Trừ một số ít chỗ, như Bài giảng Trên Núi, 5thì hầu như kinh Thánh không hề nhấn mạnh việc con người ta phải có tâm khoan dung, nhân từ, hỉ xả, hòa thuận, v.v., những đức tính quan trọng để tạo nên một xã hội an bình. Tuy nhiên, những điều "nhân hòa" đó có thể có được gián tiếp thông qua "đức tin", thông qua việc mọi người cùng đồng lòng phục tùng cùng một đức Chúa duy nhất. 6Nhưng than ôi, dù cả mấy chục tôn giáo cùng dùng chung một cuốn kinh (Cựu ước), dù mấy trăm giáo phái cùng thờ chung một nhân vật lịch sử (Chúa Jesus - Tân ước), nhưng mỗi bên lại có một đức Chúa khác nhau! (Dù cùng gọi một tên "Chúa", nhưng chỗ bên này bảo là "của Chúa" thì bên kia bảo "của Satan" thì sao có thể gọi là giống nhau được?!)

Việc phân lập hai thái cực ChúaSatan đã vô tình làm cho con người dễ suy nghĩ cực đoan: Tất cả những gì trái với "ý Chúa" là thuộc về Satan. 7Nhưng nhiều người lại quên mất rằng từ thuở loài người xây tháp Babel, Chúa đã tản họ ra khắp đất bằng cách cho họ "không hiểu tiếng của nhau nữa". Đó không chỉ là vấn đề ngôn ngữ nói riêng, mà còn là vấn đề nhận thức nói chung. 8Cùng một lời của Chúa nhưng kẻ hiểu thế này người suy thế kia, không có Chúa phán xét thì hiển nhiên ai cũng nhận mình là "theo Chúa" còn đối phương là "theo Satan". Những cực đoan này đã dẫn đến không ít bi kịch trong lịch sử tôn giáo, và thậm chí còn bị những chính trị gia lợi dụng để gây nên cả một cuộc chiến tranh đẫm máu  "Thập tự Chinh".

9Chúa dạy "Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái" nhưng có mấy ai làm được? 10Có lẽ không phải do Chúa "dạy ít" mà do những nhà tư tưởng của các tôn giáo "theo Chúa" đã không coi trọng những điều đó. Có thể "chủ nghĩa kinh viện", thái độ coi "từng câu từng chữ trong kinh Thánh là thánh" nên cứ phải hiểu theo nghĩa đen, nghĩa hẹp, để rồi thấy những lời khuyên đó là "quá đáng" để rồi "đọc cho có đọc" thôi chứ chẳng đọng lại trong đầu người ta cái gì. Nhiều người quên mất rằng những lời của Chúa Jesus nói ra là hai ngàn năm trước, trong bối cảnh xã hội khác, kiến thức khoa học kỹ thuật khác. Hơn nữa, lời của Chúa bản chất lúc nào cũng đã mang tính hình tượng cao rồi, nói một tất phải hiểu mười.

Mong anh Hải góp ý thêm về yếu tố "nhân hòa" trong kinh Thánh để cái nhìn ra ngoài càng được khoan dung hơn.

Trước hết, cám ơn bạn đã trao đổi, và xin trả lời một cách tổng quát trước. Thứ nhất, toàn bộ Kinh Thánh của Thiên Chúa  giáo (bao gồm Cựu Ước và Tân Ước) có thể tóm tắt bằng hai lời dạy sống đạo như thế này: 1) Hãy yêu mến Chúa hết lòng hết sức, và 2) hãy thương tha nhân như thương chính bản thân mình. Cho nên, khi bạn nói rằng đạo Thiên Chúa không dạy về “nhân hòa” thì bạn đã loại bỏ phân nửa của Kinh Thánh rồi còn gì? :-)

Thứ hai, Kinh Thánh chứa nhiều điều “kỳ diệu” (mạn phép tôi dùng mượn ngôn ngữ của Phật giáo), và đọc Kinh Thánh cần thiết có cái “tâm”. Tức là, cùng một câu, nhưng đọc với cái tâm hướng đạo thì bạn sẽ hiểu đường này, và đọc với cái tâm bài đạo thì sẽ hiểu theo hướng khác. Tôi xin nêu một ví dụ, trong một bài đọc  Phúc Âm cho Thánh Lễ cuối tuần vừa rồi, có đoạn chép như sau:

Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
(Luke 14:25-27)

Nếu bạn chủ ý bài trích Kitô giáo thì bạn có thể nói rằng ông Giêsu này dạy người ta bất hiếu với cha mẹ, và bất nhân bất nghĩa với vợ, con, anh, chị, em mình. Nhưng, với tín đồ Kitô giáo thì đây là lời dạy của Đức Chí Tôn dự phòng cho trường hợp những bậc cha mẹ lạm dụng thân tình để ép buộc con cái đi vào con đường tội lỗi.

Bây giờ, xin trả lời từng điểm mà bạn đã nêu …

#0: Có thể nào bạn không “comment” được cho blog này là vì giới hạn của tường lửa chăng? Bạn thử truy cập bằng địa chỉ này thử xem có hiệu quả hơn không: http://tinyurl.com/quaikhach.

#1 và #5: Thực trạng những tín đồ Thiên Chúa giáo như tôi chưa thực hành được tính “nhân hòa” không có nghĩa rằng Thiên Chúa Giáo không dạy về nhân hòa, cũng như một Phật tử như ông Trần Chung Ngọc chuyên thích phỉ báng đạo Thiên Chúa đã không làm cho tôi nghĩ rằng đạo Phật không dạy về “nhân hòa”. :-)
Như đã gợi ý trong phần trả lời tổng quát, Thánh Kinh không thiếu lời dạy về sự hòa thuận, yêu thương tha nhân. Bạn đã nhắc đến Bài Giảng Trên Núi. Còn có Dụ Ngôn người Samari Nhân Lành (Luke 10:25-37), Hai Người Thiếu Nợ (Luke 7:36-50), Người Đày Tớ Ác Ôn (Matthew 18:21-45). Về Bài Giảng Trên Núi, đoạn cuối của Matthew chương 5 còn có chép như thế này:

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

“Người cho mặt trời soi sáng cho kẻ xấu cũng như người tốt”, cho nên “hãy thương kẻ thù ghét mình”. Đây là vũ khí của người Kitô hữu trong cuộc chiến tâm linh, và là giáo huấn trực tiếp từ chính Ông Trời: hãy dùng tình thương để hóa giải hận thù. Còn gì tuyệt vời hơn khi người ta thi hành được lời dạy đó?

Nhưng, tôi ghi nhận ngụ ý của bạn là cá nhân tôi hãy còn cần phải cố gắng nhiều hơn trong việc thực thi giáo huấn thương người của Chúa. Đây là Thập Tự Giá mà kẻ đồ đệ tội lỗi như tôi đang gánh vác trong cuộc hành trình chốn nhân gian.

#2: Nếu trong bối cảnh của cái vũ trụ hữu hình này thì có thể đúng là “không có cho cái gì là xấu (hoàn toàn) hay tốt (hoàn toàn) cả”. Đạo Thiên Chúa còn tin rằng, cái “xấu” nó giúp hoàn thiện cho cái “tốt”. Tuy nhiên, quan niệm “không gì xấu/tốt hoàn toàn” dễ khiến cho người ta sa vào cái lưới mà người Công Giáo gọi là “đạo đức tương đối” (“moral relativism”, xem thông điệp Veritas Splendor của John Paul II), và hậu quả sẽ là: thái độ dửng dưng, tức là “anh sai thì mặc anh, không can hệ gì đến tôi”. Đây không phải là quan niệm của đạo Thiên Chúa. Quả là đạo Thiên Chúa, với quan niệm một chân lý tuyệt đối (thiện), ước muốn loại trừ mọi thứ ác, nhưng loại trừ cái ác để cứu rỗi kẻ làm ác, chứ không phải tiêu diệt họ. Ở điểm này, môn đệ của Chúa Giêsu đã có lần sai phạm như trong giai đoạn Thập Tự Chinh và sự ngược đãi đối với các nhà khoa học như Galileo, và JPII đã có lần xin lỗi cùng Thế Giới về những sự kiện này.

#3: Bạn làm tôi liên tưởng đến một vị cố Hồng Y mà tôi được biết đến mới đây qua Salt+Light blog và qua cuộc nói chuyện này, tên John Henry Newman (1801-1890). Ông bị nhục mạ từ thể xác lẫn tinh thần bởi tay những người chống đối ông, nhưng ông không hề phản ứng bằng sự tức giận hay thù hằn. Ông này noi gương Chúa Giêsu thật tuyệt vời. Tôi nêu ví dụ này để nói rằng, vẫn có người phàm tục biết nhẫn nhịn được chứ không phải ai cũng trở thành “đồ mất dạy” khi bị “chọc tức”.

#6: Như tôi đã gợi ý ở phần trên, có lẽ sự cố tình mập mờ của Thánh Kinh là để thử cái tâm của con người. Ý mọn của tôi về việc tại sao Thiên Chúa giáo có nhiều chi phái, là y như bạn đã nhắc đến ở #9: tiêu chuẩn của Chúa rất cao, có mấy ai vượt qua được. Từ đó, người ta suy ra: chắc Chúa chỉ nói bóng bảy vậy thôi chứ cốt ý không phải vậy. Cho nên mới có tình trạng “hiểu thế này, suy thế kia” (#8). Và, họ tự hạ cây thước chuẩn ấy xuống để cho mình dễ nhảy qua hơn. Việc làm này dư thừa, nếu không muốn nói là tai hại, trong khi Chúa không bắt buộc người phàm phải nhảy qua cho được cây thước cao kia, mà chỉ đòi hỏi sự cố gắng. Có chịu nhảy thử hay không là cái mà người trong đạo gọi là tự do ý chí (free will). Còn nhảy qua được hay không còn phải nhờ ơn Trời (grace).

#7: Tôi tra Commentary on the Whole Bible Volume I, Genesis 11 của Matthew Henry, thấy có giải thích: ngày xưa loài người xây Tháp Babel để đề phòng cơn Đại Hồng Thủy thứ hai, vì họ không tin ở Trời. Nghe tương tự một cách rùng rợn với quan niệm ngày nay: người ta không cần có Trời để sống thánh thiện.

#10: Những lời của Chúa Giêsu có lời cần hiểu theo nghĩa đen (literally), có lời cần hiểu theo nghĩa bóng (metaphorically), và cũng có lúc nên hiểu theo cả hai. Khi nào nên hiểu theo nghĩa đen và khi nào nghĩa bóng, thì các nhà nghiên cứu Kinh Thánh họ đối chiếu với các đoạn khác của trong bộ kinh. Người ta có thể đi đến hai quy tắc cho việc hiểu Thánh Kinh: 1) hiểu sao cho không gây mâu thuẫn với các đoạn/sách khác trong Thánh Kinh, và 2) hiểu theo hướng tích cực, bởi Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là đấng trọn lành.

Và sau cùng, để trả lời điểm #4 của bạn, thỉnh thoảng tôi cũng có đọc thử một vài lời của Phật Thích Ca hoặc của vài đệ tử nhà Phật như Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để so sánh khi cần. Có nhiều cái có thể dung hòa được giữa hai giáo thuyết Chúa-Phật, nhưng có vài tín điều của Phật Giáo nó trực tiếp đối ngược với Thiên Chúa Giáo. Ví như Thuyết Luân Hồi chẳng hạn, nó tương phản với quan niệm Phục Sinh (xác người sẽ sống lại) của đạo Thiên Chúa. Nói cho cùng, tuy bất đồng quan điểm nhưng theo tín điều Thiên Chúa giáo, như đã nêu ở trên (#1), tôi phải yêu thương những người anh em đồng loại của tôi trong tình người, bất luận là tôn giáo nào.  Như vậy, tôi với bạn cũng giống nhau, chúng ta đều nói lên vì tình người, vì muốn bạn mình được “hoàn thiện hơn”. Còn việc lời nói có tác động lòng người như thế nào, thì còn phải nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

Cầu chúc bạn ComputerBoy bình an, sớm hội nhập vào gia đình Công Giáo. ;-)

Chia Sẻ:

Ngôi Con

Nghe bài đọc Thánh Kinh hôm nay, làm tôi lại nhớ đến mấy người anh em Chứng Nhân Giê-hô-va hôm nọ

Trong Tông Thư gửi các tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết:

Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài đã định. 29 Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm con trưởng giữa một đàn em đông đúc. 30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang. (Rom 8:28:30)

“cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài”. Hmm…nhưng, Sáng Thế Ký có chép:

Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình dạng của chúng ta, giống như chúng ta…” (Stk 1:26).

Khó có thể xua đuổi ý tưởng hiện lên trong đầu, rằng dường như Phaolô cũng đã tin: Giêsu là Chúa.

:-)

Chia Sẻ:

Ngày lễ Lao Động, ngẫm về … lao động

Bài suy ngẫm từ Lm. Bob Wild, với tựa đề Đường Na-za-rét để Đến Với Chúa (The Nazareth Way to God) (biết qua S&L Blog):

Đối với nhiều người, họ sẽ không bao giờ làm nên điều vĩ đại…[Họ] không “chuẩn bị” để dấn thân vào một sứ mạng to tát nào đó, mà công việc lao động hằng ngày của họ chính là sứ mạng.

Chúng ta không thể để công việc biến thành một sự ám ảnh. Chúng ta phải làm việc sao cho cách làm việc ấy dẫn dắt ta đến với Chúa Cha…

Lời lẽ cắt như dao đối với một thằng đã từng “say mê” công việc như tôi; sở dĩ giờ này gần nửa đêm mà tôi vẫn ngồi lọ mọ làm việc, nó là bằng chứng. Nếu 9-10 năm trước tôi nghĩ tôi cần phải phấn đấu nhiều vì tôi ngu, vậy bây giờ thì sao?  Nếu nhắc đến tội ham tiền thì chắc là tôi được miễn chấp, bởi nếu vì tiền thì tôi đã bỏ con tàu này lâu rồi. Thậm chí, thay vì nói rằng “anh không trả lương thì tôi không làm nữa”, thì tôi nói “dù nhận lương hay không thì tôi vẫn tận lực như thế”. Thử thách cho tôi là liệu tôi có thể duy trì được quan niệm này đến bao lâu. May phước một điều—và tôi đã đôi lần chứng kiến điều này--là ngay khi tưởng chừng như đang ở tận cùng của hy vọng thì lại được ơn Trời phù hộ.

Mặt khác, tôi cũng ý thức được rằng, trong quan hệ với đồng nghiệp, với khách hàng, có tiềm ẩn bao nhiêu là thử thách cho một người tín hữu.

Và, liên tưởng như vậy về lao động thì không khỏi đi đến khái quát về hành động: mỗi hoàn cảnh nhỏ nhoi trong đời tôi đều là những thử thách sống đạo. Không nói đâu xa, mới ba ngày lễ vừa qua, trong lời nói và việc làm với gia đình và bạn hữu, tôi đã ba lần phải đấm ngực mà than: ôi, tôi lại thất bại trong thử thách. Cảm giác có khác nào Thánh Phêrô đã từng thấm thía ngay sau khi nghe tiếng gà gáy chăng?

Chia Sẻ:

Chúa Nhật hay Chủ Nhật

Lâu nay tôi cứ ngỡ rằng “Chủ Nhật” là loại từ ngữ của những người Việt chống đạo Thiên Chúa, dùng để tôn thờ chủ nhân (người trả lương cày cấy cho họ hằng tháng). Nếu vậy thì thật là hoang đường, vì bởi … “Đây là ngày Chúa đã làm nên, nào ta hãy hỷ hoan vui mừng” (Thánh Vịnh 118:24).

Thế nhưng, nay thấy bạn ComputerBoy giải thích (+1), tôi mới ngộ ra, rằng có thể mình lại trách lầm người ta:

Theo mẹ tôi thì ngoài yếu tố thay đổi âm đọc, [Chủ Nhật] có thể hiểu là "ngày của Chủ Nhân" - "day of the Master" - "day of the LORD".

Quá hay! Mẫu thân của ComputerBoy có thể là một người phi thường. :-)

Quả thật, con người vốn chỉ có một Chủ Nhân đích thực. Tuy nhiên, tôi vẫn thích gọi là “Chúa Nhật” hơn.

Chia Sẻ:

Ý Kiến Bạn Đọc

Facebook

Nhãn

anh ngữ (1) ảo ba trì (10) apologia pro vita sua (3) ăn uống (2) bà nội (5) bạo lực (1) bảo quản xe ôtô (4) benedictxvi (3) bí tích thánh thể (8) canada (37) catholic (2) cầu nguyện (11) cbc (2) chết chóc (3) chính trị (6) chúa ba ngôi (24) chứng nhân giê-hô-va (3) CNE (2) covid-19 (10) cộng đồng (3) công giáo (134) công nghệ (6) cộng sản (2) công việc (24) cuba (1) cung tự phục hổ quyền (2) cuối tuần (6) dạy con (1) dị ứng (4) dịch thuật (1) du lịch (9) du lịch bằng xe (2) du ngoạn (9) dụ ngôn (1) đại hội giới trẻ (3) đạo (1) đêm tối tăm (5) đi công tác (3) độc cô cầu đạo (36) đời sống (5) english (4) francis-xavier nguyễn văn thuận (1) gãy xương (5) gia đình (79) giáng sinh (8) giáo lý (9) giao thông (5) giao tiếp (1) giới tính (4) gò công (6) grand bend (1) guelph (7) gương thánh nhân (10) hài hước (2) hành hương (1) hòa giải (1) hoa kỳ (5) hỏa ngục (3) hội hè (2) hội thánh (3) hồi tưởng (8) hôn nhân (7) humanae vitae (1) huntsville (2) hứa hẹn đầu năm (1) jpii (8) kế hoạch kungfu panda (1) khoa học (3) khổ đau (2) khủng bố (1) kinh doanh (5) kinh nguyện (3) kinh thánh (42) lectio divina (1) lễ tạ ơn (4) lễ tro (1) linh thao (1) linh tinh (4) lòng thương xót chúa (5) luật pháp (2) lumen fidei (1) máy vi tính (1) mầu nhiệm (1) memento mori (3) mê hồn trận (18) montreal (1) mùa chay (60) mùa đông (1) mùa hè (5) mùa vọng (3) mùa xuân (4) ngắm đàng ánh sáng (1) nghỉ xuân (1) ngôn ngữ (3) người việt khắp nơi (2) nhà cửa (4) nhật bản (3) nhật ký nghĩa vụ bồi thẩm đoàn (3) ontario (19) ottawa (2) phá thai (2) phật giáo (7) phép xã giao (1) phim (4) phục sinh (13) quê hương (2) rắn (2) rượu bia (3) Sauble Beach (1) sống đạo (3) st. thomas (canada) (13) summa theologica (1) suy ngẫm (57) sự sống (1) sức khoẻ (2) sức khỏe (10) tam nhật thánh (2) tâm lý (5) Tết (8) tháng tư đen (2) thành bại (1) thánh lễ (1) thánh mẫu (3) thần học thân xác (3) thể dục (1) thế giới (1) thị trường (1) thiên chúa giáo (27) thiên đàng (2) thiên nhiên (6) thiên tai (1) thiên văn (1) thời sự (41) thời tiết (20) thư giản (1) tin mừng (2) tình dục (3) tĩnh tâm (34) tình yêu (6) toronto (49) tổ tiên (6) tội (7) tôi là (24) tội tổ tông (7) tôn giáo (8) trầm tư (28) trung quốc (2) ttc (3) tuần hoàn (1) tuần thánh (5) vật lý (1) verbum domini (1) việt nam (14) viết trên iPod (21) vlog (4) võ học (2) vô thần (3) waterloo (3) wikileaks (2) xã hội (2) xe đạp (15) xưng tội (45) y học (2)

Bài Mới Nhất

Được Xem Nhiều Nhất

Người theo dõi

Lưu trữ Blog