Ngẫm về Kinh Lạy Cha

Phúc Âm theo Thánh Luca, chương 11 ghi chép lời dạy của Chúa Giêsu, mà ngày nay được đúc kết trong Kinh Lạy Cha (The Lord’s Prayer). Đoạn kinh này thật đặc biệt vì trong đó, đích thân Thượng Đế đang truyền dạy chúng ta cách cầu nguyện.  Bảy câu kinh nguyện ấy là một sự ổn định thứ tự cho mọi việc trong đời sống của người tín hữu, và vừa là một sự xét mình. Thánh Cyprianô (~208-258 AD) nhận xét trong Luận thuyết về Kinh Lạy Cha (nghe ở đây) như sau:

Sâu sắc thay những điều được bao gồm trong Kinh Lạy Cha! Nhiều lắm thay! Vĩ đại thay! Vắn tắt trong ngôn từ, nhưng phong phú trong tinh thần đạo đức! Như thể không một điều gì trên đời mà ta không thể lĩnh hội được, qua mấy lời thỉnh nguyện này, như một bảng tóm lược về nền triết lý thiêng liêng.

Vậy, thử ngẫm xem, 7 điểm thỉnh cầu của kinh nguyện này là gì.

1. Lạy Cha chúng con ở trên Trời.
”Lạy Cha”—Ngài là Cha của Ngôi Lời, vượt trên mọi khái niệm về “cha” của nơi trần tục.  Chỉ có Ngôi Lời là đấng duy nhất xứng danh là Con Ngài. Thế thì sâu sắc lắm thay, khi chúng con, một con người của cát bụi, nào xứng đáng gì để được mời, gọi đấng Chúa Tể Càn Khôn là Cha. Như thể, mời gọi chúng con sống sao cho xứng danh là Con Trời. Như thể, để xứng danh là Con, thì chúng con chỉ việc noi gương theo Con Ngài là đủ.

“chúng con”—Vâng, khi đọc  lên câu này, con không nguyện cho riêng con, mà trong tinh thần, con đang hiệp nhất cùng gia đình, bạn hữu, cộng đồng dân Chúa trên khắp thế gian này. Chúng con tuy nhiều, nhưng nguyện xin như một; tuy một, nhưng lại là nhiều.

“trên trời”—Như Cha Robert Barron của mạng Word On Fire giải thích, “trên trời”  không có nghĩa là trên mây, nhưng từ ngữ ấy có ý nghĩa siêu việt, vượt trên mọi giới hạn của vũ trụ hữu hình này.

2. Nguyện danh Cha cả sáng.
”cả sáng”—“hallowed” (được hiển thánh). Danh Cha vẫn là Thánh, mặc cho chúng con có nguyện thể nào đi nữa. Nhưng, nguyện cho trong chúng con không chứa chấp bóng đen của tội lỗi làm cản trở ánh sáng của Cha chiếu ngời đến thâm tâm của chúng con, để cho ánh sáng ấy thúc giục chúng con sống xứng đời chứng nhân cho Con Cha, để cho danh Cha tỏa sáng khắp chốn thế gian này.

3. Nước Cha trị đến.
Chúa Giêsu đã nói “Nước Trời đang ở giữa các anh em.” (Lc 17:19). “Nước Trời” ở đây chính là Chúa Giêsu.  
Một mặt, với câu nguyện này chúng con ước vọng sự sớm trở lại của Chúa Giêsu, và thúc giục chúng con hãy luôn thức tỉnh canh gác, đề phòng kẻ trộm, để xứng đáng nhận phần thưởng vĩnh cửu cho phần hồn lẫn phần xác khi ngày ấy sẽ đến với chúng con. Mặt khác, Ngôi Hai đã đích thân mang Nước Trời xuống nơi thế gian.  Nước Trời đang hiện hữu nơi thế gian, và lãnh thổ của nước ấy bao gồm những ai đã và đang thể hiện theo ý Cha.

4. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.
Với câu này, chúng con nguyện được là công cụ, góp phần nhỏ bé cho Nước Trời ấy ngày một lớn dần, bởi Nước Trời sẽ lớn dần khi ý Cha được thể hiện. Nguyện cho những bậc lãnh đạo trong chúng con, biết kính sợ Cha trong mọi việc họ làm, để việc họ làm thể hiện nên thánh ý trọn lành của Cha.

5. Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.
”lương thực”—“bread” (bánh bột)—”supersubstantialem” (siêu thực chất, x. Mat 6:11).  Chúa Giêsu đã từng nói, “Ta là bánh hằng sống mà Trời ban; ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời (Gioan 6:51)”.
Câu nguyện này vừa là xin lương thực cho phần xác được sống qua ngày, vừa ngụ ý đến Bí Tích Thánh Thể là lương thực duy trì cho phần hồn, và nhắc nhở chúng con sống sao cho xứng đáng để được nhận lãnh lấy “bánh hằng sống” ấy mỗi ngày.

“hôm nay”—Vâng, chúng con chỉ xin vừa đủ cho hôm nay, vì biết đâu ngày mai Nước Cha sẽ đã đến với chúng con rồi.

6. Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Vâng, Lạy Cha, xin thương xót chúng con, là kẻ vướng vấp tội lỗi vô cùng. Xin nhắc nhở chúng con biết xót thương kẻ gây lỗi lầm nhỏ nhen đối với chúng con. Xin luôn nhắc chúng con biết nhận ra thanh gỗ to đang bị kẹt trong mắt mình, trước khi nhận thấy miếng dằm nhỏ trong mắt người hàng xóm của chúng con.

7. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
“cám dỗ”—Bản chất sa ngã của chúng con mỏng manh thật, yếu hèn thật. Và như chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở, “Anh em hãy canh gác và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ; vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác thì yếu đuối (Mc 14:38)”.  Cho nên, Cyprianô nói: kẻo bất kỳ ai trong chúng con lại láo xược, tự cao ngạo cho mình đủ mạnh, lao đầu vào cạm bẫy mà không cần đến Cha, hoặc hiếm may khi vượt qua được cạm bẫy thì liền khoác lác tự cho mình sáng suốt, tài giỏi. 
“xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”—Ngôi Lời đã nói, “Có ai trong anh em là một người cha, mà khi con mình xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó bao giờ? (Lc 11:11)”.
Vậy câu nguyện sau cùng này là một lời đảm bảo từ Chúa Con: nếu chúng con sống trung thành với chức vụ thiêng liêng của một người con, thì không sự dữ nào có thể uy hiếp được chúng con cả.

Và cuối cùng, không quên lời nhắn nhủ sắc bén của  Đức Cha Charles Joseph Chaput, một vị giám mục nơi phương xa, mà gần đây con được biết đến, gợi lên trong con lòng kính trọng. Ngài đọc:

Đừng nói “Lạy Cha” nếu mỗi ngày, bạn không hành xử như một người con.
Đừng nói “chúng con” nếu bạn sống tách rời khỏi Giáo Hội.
Đừng nói “ở trên Trời” nếu bạn chỉ nghĩ đến vật chất của phàm tục.
Đừng nói “nguyện danh Cha cả sáng” trừ phi bạn thật sự kính trọng tên Ngài.
Đừng nói “nước Cha trị đến”, nếu bạn đang muốn khẩn cầu về vật chất.
Đừng nói “ý Cha thể hiện”,  trừ phi bạn sẵn lòng chấp nhận, ngay cả khi ý ấy mang đến thương đau.
Đừng nói “xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, nếu bạn không quan tâm đến kẻ đói khát.
Đừng nói “xin tha nợ chúng con”, nếu bạn vẫn chất chứa trong lòng sự thù hận đối với người nào.
Đừng nói “xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”, trừ phi bạn sẵn sàng chiến đấu với sự dữ.
Và đừng nói “Amen”, nghĩa là “xin cho được như vậy”, nếu bạn không thật sự muốn như vậy.

Chia Sẻ:

Sự kiện Đàm Vĩnh Hưng

Tin tức đọc được mấy hôm trước: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sang Hoa Kỳ trình diễn, được bác cựu phi công VNCH Lý Tống, hóa trang thành phụ nữ, lên tặng hoa và xịt nước cay vào mặt.

Lâu nay tôi không mấy chú ý đến ĐVH.  Nếu nhiều người cho rằng cậu ta “hát hay” thì có thể là do tài diễn xuất gây thu hút khán giả; tôi không nghĩ rằng cậu ta có giọng hát hay. Mấy hôm tôi thắc mắc: ĐVH đã làm gì, nói gì, mà làm phật lòng mấy bác người Việt hải ngoại đến thế? Hôm nay, tìm được câu trả lời: Bài Ca Nhớ Bác [Hồ Chí Minh].  Trong bài Đàm Vĩnh Hưng "Sang Sông", bác Nguyễn Quang Duy viết:

Đàm Vĩnh Hưng không phải là một văn công bình thường. Hưng là thành viên của Ủy ban Hội Liên Hiệp Thanh Niên thành phố “Hồ chí Minh” (xin xem hình). Một cán bộ tuyên truyền cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam.
Theo một số nguồn tin Hưng được kết nạp vào đoàn Thanh Niên Cộng Sản năm 1995 và trở thành đảng viên năm 2000. Hưng cũng là một thành viên “bán chính thức” của Mặt Trận Tổ Quốc” đảm nhận trách vụ “văn hóa vận”.

Tuyên truyền văn nghệ là bằng những bài nhạc tình thọat nghe vô hại, thế nhưng nhiều cuộc "giao lưu văn hóa" là gián tiếp tuyên truyền cho chiêu bài "đổi mới và cởi mở" của “đảng”. Thiếu sự phản đối quyết liệt, lâu dần mọi người sẽ quen mắt và chấp nhận sự hiện diện của các cán bộ Việt Cộng. Khi đó đảng sẽ đẩy những tay chân bộ hạ ra mặt thành lập các hội Việt Kiều tay sai cho chúng. Rồi cờ đỏ sao vàng Việt cộng sẽ xuất hiện trong các khu vực người Việt tỵ nạn sinh sống. Như thế văn công Đàm Vĩnh Hưng đang thực hiện vai trò “đảng” giao: nhuộm đỏ cộng đồng của chúng ta.

Báo Thanh Niên trực tiếp đặt câu hỏi có phải vì Hưng là thành viên của Ủy ban Hội Liên Hiệp Thanh Niên, lại thích ca bài “Nhớ bác Hồ” nên bị phản đối. Hưng đã không dám trả lời.

Hình như người Tị Nạn Cộng Sản sợ cộng sản tương tự như tôi sợ rắn lúc xưa. Họ chống ĐVH vì sợ ĐVH “nhuộm đỏ” cộng đồng người Việt Hải Ngoại theo Nghị Quyết 36.  Điều này nếu có thật thì cùng dễ  thông cảm cho họ thôi.  Tôi gọi những người chống cộng này là “họ” thay vì “chúng tôi” vì nếu có phụ thân tôi ở đây, có lẽ ông sẽ nói rằng tôi không xứng đáng đứng chung hàng ngũ với những người này. Mà thật ra là vậy, đối với người Việt Cộng và người Chống Cộng, đôi lúc tôi phản đối cả hai. Trong một thế giới mà chủ nghĩa cộng sản đang dần dần tàn rụi, tại sao người ta lại tin rằng những người “văn công cộng sản” kia có thể “nhuộm đỏ” được thế giới tự do này? Thật là đề cao đối phương quá đáng.

Trở lại đề tài, bác Mai Văn An đã viết trong bài  Bài Học Đàm Vĩnh Hưng:

Xin quý vị nhớ cho rằng: "Cộng đồng người Việt hải ngoại là một cộng đồng tỵ nạn cộng sản, họ là những nạn nhân của nhà cầm quyền CS Việt Nam, họ không nuôi hận thù, nhưng nỗi đau vẫn luôn canh cánh trong lòng họ, đừng khiêu khích họ. Luật pháp ngăn cấm là một chuyện, nhưng không ai lường trước được phản ứng của một con người".

Hay cho câu “không nuôi hận thù”. Không phải ai cũng nghĩ được như bác An; nhớ mấy tháng trước tôi đọc được bài Giới Thiệu Tập Thơ “Thúc Giục Máu Căm Hờn” của cô Nguyễn Việt Nữ.

Một mặt, tôi hiểu rằng các bậc tiền bối của tôi đang nhận ra một cặm bẫy, và đau lòng khi không thể thuyết phục được con cháu mình có phản ứng như ý. Mặt khác, xã hội Mỹ là xã hội cung-cầu, và nền kinh tế Mỹ là kinh tế cạnh tranh. Thực tế ĐVH đi lưu diễn được ở Hải Ngoại là do Hải Ngoại có nhu cầu, giống như trước kia tôi thấy các trẻ em Việt Nam ở đây có nhu cầu cần học Việt Ngữ.

Lẽ ra người ta nên chờ xem ĐVH có hành động gì tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản thì mới phản ứng.  Nếu tôi là người ngưỡng mộ ĐVH (tôi không phải) và tôi có đi xem nhạc hội do ĐVH trình diễn (xác suất tôi đi xem một buổi nhạc hội là rất thấp), thì tôi sẽ đứng lên ra về khi ĐVH cất tiếng ca tụng “Bác” nơi hải ngoại. Nhưng, trước khi sự kiện đó xảy ra …nếu tôi phàn nàn khi người ta kết tội tôi vì những tư tưởng của tôi, thì tôi cũng không nên kết tội người khác vì tư tưởng của họ.  Nếu tôi hô hào bất công khi người ta kỳ thị tôi là “con ngụy quân ngụy quyền”, thì tôi có nên kỳ thị họ không khi họ là con cháu của người Cộng Sản? Biết đâu ĐTNCS sẽ là nhóm có công giải thể Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không chừng.

Tôi nhận là tôi mơ tưởng hơi bị nhiều.

Chia Sẻ:

Người Samaria Nhân Lành

Tuần rồi tôi đọc được bài giảng này thật hay của Đức Ông Eric R. Barr của giáo phận Rockford, Illinois, về dụ ngôn Người Samaria Nhân Lành (The Good Samaritan).
Thánh Kinh chép rằng, có người luật sư đến thử thách Chúa Giêsu, hỏi rằng, “Tôi phải làm gì để được sự sống muôn đời?” Chúa Giêsu hỏi lại rằng, “Sách Luật đã chép gì?” Luật sư thưa, “rằng hãy yêu mến Đức Chúa Trời hết lòng, kết sức, hết tâm hồn, và hết cả trí khôn của bạn; và hãy yêu mến người hàng xóm như yêu chính mình”. Tiếp theo, Luật sư hỏi, “Nhưng, ai là người hàng xóm của tôi?” Và, từ gợi ý đó, Chúa Giêsu kể chuyện dụ ngôn Người Samaria Nhân Lành. Thời bấy giờ, người Samaria bị dân Do Thái coi là phường tội lỗi, là cặn bã của xã hội, bởi họ mê tín, thờ phượng giả thần, và bị coi là giống ngoại lai bởi họ kết hôn với người ngoại tộc. Quả là giữa thiện có ác, và trong ác lại có thiện. Bài học này khuyên răn về sự kỳ thị.
Bài giảng của Đức Ông Eric Barr thật hay, đáng đọc trọn bài để hiểu hết ý.  Dưới đây tôi chỉ trích đoạn một phần:
Chúng ta thường quên ai là người đang kể chuyện: đó là Chúa Giêsu. Và Ngài như muốn nói, rằng Người Samari Nhân Lành kia chính là Ngài. Chúa Giêsu muốn nói, “Ta đã đến thế gian với một sứ điệp mới về tình thương và hòa bình, nhưng anh em lại xua đuổi ta. Đối với anh em, ta là người Samari kia. Nhưng ta đến thế gian để cứu vớt nhân loại, là người du khách trong câu chuyện kia, đang đi ngược đường trong hành trình cuộc sống, xa dần với Đức Chúa Trời là Cha ta,  và ngày càng tiến gần đến hiểm nguy. Mỗi người trong các anh em đều đã bị thương như người du khách kia, và như người Samari nọ, ta, Giêsu, kẻ từng bị anh em xua đuổi, đã tìm thấy anh em đang cận kề sự chết, và đã đến để cứu anh em.”

Và rồi Chúa Giêsu nói, “Hãy đi và làm như vậy”. Tức là, Ngài bảo chúng ta, “Anh em đã biết đức tin dạy mình phải làm gì, giờ thì hãy sống đời đức tin ấy. Anh em là Hội Thánh, [là thân thể của ta,] hãy làm như ta làm! Ta đã chỉ đạo cho anh em. Anh em đừng chỉ hiểu đạo thôi, mà còn hãy sống đạo.”
“Hãy làm như ta làm”—Chắc chắn hàm ý ở đây không phải là những gì Chúa đã làm, tôi có thể làm được—Chúa có quyền kết tội, còn tôi thì không đủ khả năng.  Nhưng đây nói về lòng thương người vô điều kiện—cái này tôi có thừa khả năng. Tôi thường xúc phạm đến Chúa luôn, nhưng Chúa vẫn thương tôi, vẫn thường luôn dẫn dắt, linh hướng cho tôi; bằng chứng là tâm hồn tôi vẫn còn luôn thao thức về Ngài.  Thế thì tôi cũng nên yêu thương những người đã xúc phạm đến tôi chớ?  Tôi có chút phân vân: về sự cân nhắc không đồng đều. E rằng người quen sẽ nói: “Ta đã làm ơn cho ngươi bấy lâu nay, nhưng ta không thấy ngươi thương lo cho ta chút nào. Mà ngươi lại thương lo cho người dưng kẻ lạ kia, là những kẻ đã từng bức hại ta.” Và tôi sẽ nói: “những gì người đã thương lo cho tôi, Trời Đất sẽ trả công bội hậu cho người, đó là điều tôi tin chắc.” Còn một điều nữa tôi tin chắc: Quá trình tập tành thương lo cho kẻ lạ đã dạy cho tôi biết thế nào để thương lo cho người quen cho tốt hơn. Vấn đề là: người sẽ có chừa cho tôi chút cơ hội để báo ơn hay không?
Chia Sẻ:

vấn đề phá thai và thử thách lương tâm đạo đức con người

Tối nay tình cờ đọc được tin cũ này trên mạng Catholic News: “Nun excommunicated, loses hospital post over decision on abortion”.

Một trong những nan đề thời đại của đạo Công Giáo liên quan đến việc phá thai.  Từ góc nhìn của một người y sĩ: nếu hoàn cảnh buộc ta phải giết một người để cứu một người, thì ta chọn cứu người nào? Đó là thử thách mà Sơ Margaret Mary McBride—một người vốn được mệnh danh là “lương tâm đạo đức của cả một [bệnh viện Thánh Giuse, thành phố Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ]”—đã trải qua. Bệnh nhân là một phụ nữ mang thai được 11 tuần, bị mắc chứng tăng huyết áp phổi (pulmonary hypertension), có thể sẽ dẫn đến tử vong cho người mẹ nếu tiếp tục thai nghén cho đến ngày sanh đẻ. Sơ Margaret là một người trong Ban Luân Lý của BV, có trách nhiệm đề nghị với bác sĩ rằng nên tiến hành việc phá thai hay không.

Nếu là thánh nữ Gianna Berretta Molla, vấn đề xem chừng thật dễ giải, khi bà nói với chồng nguyện vọng của mình: “Nếu phải chọn giữa em và con mình, thì xin anh đừng do dự: hãy chọn con. Em đòi hỏi anh phải cứu mạng đứa bé trước hết.” Có được tấm lòng hy sinh cao cả như thế đấy quả là hiếm hoi thật nhỉ. Một mặt,  đó là một trong những giáo huấn của đạo Công Giáo: “Không tình thương nào cao cả hơn khi một người chịu hy sinh tánh mạng mình vì bạn hữu của mình (Gioan 15:13)”. Mặt khác, không ai lại nói rằng, “Tôi buộc bạn phải hy sinh mạng mình để cứu sống cho người kia”.

Chia Sẻ:

Mộng du

Đêm qua hình như mình bị mộng du. Tối ngủ ở lầu 3 nhưng 6h00 sáng mở mắt ra thấy mình nằm ở lầu 2.

Đầu óc dạo này có vấn đề.

Chia Sẻ:

Khứu giác, vị giác, và ảo giác

Tuần rồi tuy tôi bị cảm nhẹ—nhẹ bởi chưa bị liệt giường—nhưng cũng đã phải nghỉ làm hai ngày, và trong quá trình, lỡ đánh mất khứu giác (ngữi) và vị giác (nếm) hồi nào không hay. Trải nghiệm tình trạng này thật là điều thú vị. Hôm Thứ Sáu đi ăn kem với Tam Tứ Muội, nhai trúng miếng gì giống như miếng…đất sét, hỏi nó rằng “mi cho tao ăn cái giống gì vậy”, thì mới biết đó là miếng cookie (bánh ngọt).
Thời tiết Toronto 20010/07/05. Nguồn: http://www.cp24.com/weather/Tuần rồi, điện đàm với một vị khách hàng ở Mesa (Arizona), nghe ông ta than phiền rằng thời tiết ở chỗ của ông nóng thiếu điều muốn bốc lửa, với nhiệt độ gần 100°F, tôi cười nhạo ông, hả hê vì bấy giờ bên tôi trời mát tuyệt vời. Nào ngờ, hôm nay trời Toronto biến thành lò luyện đan của Thái Thượng Lão Ông. Nhiệt độ hiện giờ, tính cả độ ẩm, tương đương với 54°C (khoảng 129°F). Trời nóng thế này dễ khiến cho người ta nảy sanh ra ảo giác.
Chia Sẻ:

Quán kem ngon nhất Toronto

Tối nay Tam Muội ghé chơi, nên tôi chở nó đi ăn kem. Dạo này cô bé này có vẻ hay thích ăn kem. Quán kem Dutch Dreams, trên góc đường St. Clair và đường Vaughan, nổi danh là quán kem ngon nhất thành phố. Cái này phải cám ơn cô bạn xưa của tôi. Tôi vốn quê mùa, cái gì cũng không biết. Quán này là do cô ta đã chỉ điểm hồi năm ‘99.

Chia Sẻ:

Tuần lễ lừ đừ

Hừ … chắc cuối tuần rồi theo dõi G20 (và WorldCup) nhiều quá nên bị  … chóng mặt, nhức đầu.

Sự kiện lịch sử: hai ngày Thứ Ba và Thứ Tư, cáo bệnh không vào làm, sáng nằm nhà xem bà con trên thủ đô náo nức chuẩn bị lễ hội lớn. Ban ngày cậy trông vào Chúa Thánh Thần (người đời gọi là … nước suối); ban đêm nốc một chung NyQuil làm liều thuốc ngủ để phục hồi.

Thứ Năm, tuy còn lừ đừ nhưng vẫn ham chơi, vác xác xuống  Niagara Falls xem thiên hạ ăn mừng Quốc Khánh, không khí tấp nập làm mình quên cả giới hạn của bản thân.

Thứ Sáu, đang ngồi tịt mũi trong công ty. Thu xếp được một vài công việc. Sẽ đào tẩu sớm thôi.

Chia Sẻ:

Ý Kiến Bạn Đọc

Facebook

Nhãn

anh ngữ (1) ảo ba trì (10) apologia pro vita sua (3) ăn uống (2) bà nội (5) bạo lực (1) bảo quản xe ôtô (4) benedictxvi (3) bí tích thánh thể (8) canada (37) catholic (2) cầu nguyện (11) cbc (2) chết chóc (3) chính trị (6) chúa ba ngôi (24) chứng nhân giê-hô-va (3) CNE (2) covid-19 (10) cộng đồng (3) công giáo (134) công nghệ (6) cộng sản (2) công việc (24) cuba (1) cung tự phục hổ quyền (2) cuối tuần (6) dạy con (1) dị ứng (4) dịch thuật (1) du lịch (9) du lịch bằng xe (2) du ngoạn (9) dụ ngôn (1) đại hội giới trẻ (3) đạo (1) đêm tối tăm (5) đi công tác (3) độc cô cầu đạo (36) đời sống (5) english (4) francis-xavier nguyễn văn thuận (1) gãy xương (5) gia đình (79) giáng sinh (8) giáo lý (9) giao thông (5) giao tiếp (1) giới tính (4) gò công (6) grand bend (1) guelph (7) gương thánh nhân (10) hài hước (2) hành hương (1) hòa giải (1) hoa kỳ (5) hỏa ngục (3) hội hè (2) hội thánh (3) hồi tưởng (8) hôn nhân (7) humanae vitae (1) huntsville (2) hứa hẹn đầu năm (1) jpii (8) kế hoạch kungfu panda (1) khoa học (3) khổ đau (2) khủng bố (1) kinh doanh (5) kinh nguyện (3) kinh thánh (42) lectio divina (1) lễ tạ ơn (4) lễ tro (1) linh thao (1) linh tinh (4) lòng thương xót chúa (5) luật pháp (2) lumen fidei (1) máy vi tính (1) mầu nhiệm (1) memento mori (3) mê hồn trận (18) montreal (1) mùa chay (60) mùa đông (1) mùa hè (5) mùa vọng (3) mùa xuân (4) ngắm đàng ánh sáng (1) nghỉ xuân (1) ngôn ngữ (3) người việt khắp nơi (2) nhà cửa (4) nhật bản (3) nhật ký nghĩa vụ bồi thẩm đoàn (3) ontario (19) ottawa (2) phá thai (2) phật giáo (7) phép xã giao (1) phim (4) phục sinh (13) quê hương (2) rắn (2) rượu bia (3) Sauble Beach (1) sống đạo (3) st. thomas (canada) (13) summa theologica (1) suy ngẫm (57) sự sống (1) sức khoẻ (2) sức khỏe (10) tam nhật thánh (2) tâm lý (5) Tết (8) tháng tư đen (2) thành bại (1) thánh lễ (1) thánh mẫu (3) thần học thân xác (3) thể dục (1) thế giới (1) thị trường (1) thiên chúa giáo (27) thiên đàng (2) thiên nhiên (6) thiên tai (1) thiên văn (1) thời sự (41) thời tiết (20) thư giản (1) tin mừng (2) tình dục (3) tĩnh tâm (34) tình yêu (6) toronto (49) tổ tiên (6) tội (7) tôi là (24) tội tổ tông (7) tôn giáo (8) trầm tư (28) trung quốc (2) ttc (3) tuần hoàn (1) tuần thánh (5) vật lý (1) verbum domini (1) việt nam (14) viết trên iPod (21) vlog (4) võ học (2) vô thần (3) waterloo (3) wikileaks (2) xã hội (2) xe đạp (15) xưng tội (45) y học (2)

Bài Mới Nhất

Được Xem Nhiều Nhất

Người theo dõi

Lưu trữ Blog