Mấy tuần vừa qua, Giáo Hội Công Giáo đã tưởng niệm những điểm móc lớn trong cuộc đời của Nàng sau Phục Sinh: Chúa Giêsu lên Trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, và Chúa Nhật vừa qua là lễ Chúa Ba Ngôi. Phúc Âm Theo Thánh Gioan tiết lộ khá nhiều về Chúa Ba Ngôi:
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
(Ga 16:12-15)
Cha Thomas Rosica, giám đốc đài truyền hình Salt+Light gọi đấy là sự truyền thông (communication).
Đức Cha Tổng của Ottawa, Terry Prendergast, giảng về sự vị tha của Ba Ngôi:
Thánh Linh nói lên chân lý của Chúa Giêsu để vinh danh Ngài. Nhưng, tất cả những gì Chúa Giêsu có đều khởi xuất từ Chúa Cha; và nguyện vọng duy nhất của Chúa Giêsu là để vinh danh Chúa Cha…Trong vài điểm lướt qua này về động lực bên trong Chúa Ba Ngôi, các tông đồ nắm được cuộc đời vị tha của Ba Ngôi. Mỗi ngôi vị trong Ba Ngồi đều là độc nhất, nhưng mỗi ngôi trong Ba đều hướng đến Hai Ngôi kia.
Đức Cha Tổng của Edmonton, Richard Smith, gọi đó là “sự hiệp nhất tuyệt vời của tình yêu”.
Nghe thêm các bài suy niệm dạng podcast ở đây, đây, và đây, với mong mỏi được hiểu thêm về Chúa Ba Ngôi, tôi lại đi đến kết luận mà Cha Francis-Xavier Hồng Kim Linh đã từng giảng hồi năm 1986 ở Nhật Bản. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là khoảng thời gian tôi còn ở trại Umi No Ie của Cha Leo Bassi. Lúc đó tôi chưa vào đạo. Một buổi tối lấp ló tò mò trước cửa nhà nguyện của trại trong lúc mấy người đạo Thiên Chúa đang làm lễ thì tôi được “mời” vào ngồi nghe. Nhằm lúc Cha Linh đang thuyết giảng về Chúa Ba Ngôi. Ngài kể lại câu chuyện như thế này:
Thánh Augustinô (Âu Tinh của Thành Hippo) dễ có thể là một vị bác học, uyên bác nhất trong lịch sử Giáo Hội. Một hôm ngài vừa đang đi dạo trên bờ biển, vừa suy ngẫm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thì tình cờ ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên bãi cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một hố nhỏ trên bãi cát, rồi dùng vỏ sò ấy đi múc nước từ biển đổ vào hố. Ngài bèn hỏi nó, “Con đang làm gì thế?” Thằng bé đáp, “Con sẽ lấy tất cả nước trong biển kia và chứa trọn chúng trong cái hố này”. Thánh Âu Tinh nói, “Cậu không thể chứa hết nước của biển cả mênh mông kia vào cái hố bé tí teo này được”. Và cậu bé đáp, “Cũng như ngài không thể chứa được hết Thiên Chúa Ba Ngôi vào cái bộ não bé tí teo của ngài”. Nói xong thì cậu bé biến đâu mất.
Trên đời có nhiều sự thật (chân lý) mà có thể người ta sẽ không bao giờ hiểu thấu được. Đạo Công Giáo gọi những chân lý ấy là “mầu nhiệm”. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh là một mầu nhiệm: Ba ngôi vị (hypostasis) riêng biệt, có phận sự khác nhau, nhưng lại cùng ngang hàng, cùng sự vĩnh hằng, đồng bản tính (nature), tinh thần (essence), quyền năng (power), và ý chí (will). Và vì là một “mầu nhiệm”, người đời khó có thể hiểu thấu được. Thánh Âu Tinh đã nói, “Nếu bạn hiểu thấu được Ngài, thì Ngài không phải là Thiên Chúa” (GLCG 230). Thế nhưng, không hiểu được không nhất thiết có nghĩa là nó phi lý. Chân lý vẫn là chân lý, mặc cho ta có hiểu được nó hay không. Do sự mặc khải của Lịch Sử Cứu Rỗi (salvation history), người ta buộc phải đi đến kết luận như thế, bởi kết luận khác hơn sẽ dẫn đến mâu thuẫn không thể dung hòa. Bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) của Thánh Thomas Aquinas, Phần I, đã tóm tắc những luận lý cho giáo lý Một Chúa (QQ2-26) Ba Ngôi (QQ27-43) trong Kitô giáo. Sẵn dịp rãnh rỗi không có gì làm (!), tôi đang thử dịch những phần liên quan đến Chúa Ba Ngôi. Dịch như để hiểu thêm, vì như Thánh Phêrô đã nói, “[người Kitô hữu] phải luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của [mình]” (1Pr 3:15). Bài này sẽ là tiên khởi cho hành trình ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét